Phổ biến ca khúc cách mạng trong cộng đồng là một chủ trương cấp thiết do Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu Bộ VH,TT&DL, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện.
- Thưa nhạc sĩ, tại sao việc phổ biến ca khúc cách mạng trở nên cấp thiết trong đời sống hiện nay?
- Âm nhạc là môn nghệ thuật khá phổ biến, dễ đi sâu và thuyết phục hành động của con người. Trong thời đại này khi đất nước có nhiều chuyển biến, có những khó khăn phải đương đầu thì đời sống âm nhạc lại xuất hiện xu hướng không có lợi với những trào lưu không đáng ca ngợi. Như trào lưu “sính” nhạc ngoại; sản xuất âm nhạc “mì ăn liền” với lời lẽ đơn điệu, nhạt nhẽo qua loa... Các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình cũng vậy, tràn ngập những ca khúc nước ngoài và ca sĩ hát tiếng nước ngoài hay hơn tiếng Việt. Trong khi nhạc Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc cách mạng có nhiều ưu việt, mang tính thống nhất và đa dạng lại bị chìm vào quên lãng. Nếu cứ để người Việt Nam không yêu ca khúc Việt Nam, không hát được ca khúc tiếng Việt thì e họ sẽ không yêu nước sâu sắc mà đứng lên bảo vệ đất nước.
- Vậy tại sao các ca khúc cách mạng lại có tác động to lớn đến tinh thần của cộng đồng, thưa nhạc sĩ?
- Phải nói rõ hơn về nguồn gốc của ca khúc cách mạng. Chúng xuất hiện khoảng những năm 30 của thế kỷ trước khi Đảng Cộng sản ra đời, các phong trào đấu tranh cách mạng phát triển mạnh mẽ và giới âm nhạc tiếp cận cách ghi nhạc trên 5 dòng kẻ. Khi đó, âm nhạc Việt Nam chia làm 3 dòng: Lãng mạn trữ tình; hùng ca yêu nước và ca khúc cách mạng - tiền thân của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Hai dòng đầu khá được ưa chuộng, dòng ca khúc cách mạng ra đời sau nhưng hội tụ, tiếp thu, hợp nhất các dòng nhạc trước đó nên ngay lập tức được người dân hưởng ứng, hát và truyền bá. Những ca khúc như “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội” (Văn Cao); “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi); “Tình ca” (Hoàng Việt), “Câu hò bên bến Hiền Lương” (Hoàng Hiệp)… vừa mang đậm tính hùng ca yêu nước, vừa lãng mạn, trữ tình và đặc biệt là tính thời đại nên đã cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân, nhất là những bản hành khúc. Chính nhờ dòng nhạc này mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã xả thân vì đất nước để đem lại hòa bình cho dân tộc.
- Trong thời điểm này, nhạc sĩ cho rằng cách thức phổ biến ca khúc cách mạng như thế nào thì hiệu quả?
- Tôi rất tiếc là ngày nay chúng ta không còn nhiều hình thức dàn hợp ca, tốp ca như trước. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đâu đâu cũng thành lập dàn hợp ca, từ các đơn vị bộ đội, các nhà máy, xí nghiệp, trường học... Họ hát đối nhau giữa các đơn vị, thi phong trào để cùng nhau hợp sức chiến đấu. Theo tôi, nên lập lại nhiều đội văn nghệ ở các cơ quan, trường học với hình thức đồng ca sẽ đem lại khí thế và tinh thần làm việc, học tập thống nhất, hiệu quả. Tôi cũng được biết, sắp tới Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) sẽ tổ chức thi hát ca khúc cách mạng trong tất cả đơn vị, cơ quan, trường học. Tuyên truyền bằng các chương trình nghệ thuật trên những phương tiện thông tin đại chúng cũng rất hiệu quả.
- Nhạc sĩ cho rằng cộng đồng, nhất là những người trẻ tiếp nhận ca khúc cách mạng như thế nào?
- Thực ra là chúng ta có ít phong trào để mọi người, nhất là thanh niên có điều kiện tiếp cận ca khúc cách mạng. Chứ một khi đã chú ý lắng nghe, tiếp nhận họ sẽ yêu thích. Thời nào, ca khúc cách mạng cũng có khả năng tiếp sức sống. Chúng hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn về âm nhạc hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc in sâu vào bất cứ người Việt Nam nào. Hơn nữa, lời bài hát rất đẹp, như những vần thơ, ngập tràn tình cảm cả chung và riêng. Các ca khúc cách mạng cũng đa dạng về thể loại, phù hợp với nhiều đối tượng nên sẽ dễ được tiếp nhận thôi.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.