Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yêu cầu cao, nguồn lực thấp

Quỳnh Phạm| 13/03/2012 06:35

(HNM) - Những quyết định của Bộ GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đối với các trường ngoài công lập (NCL) như ban hành quy chế về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 3 trường và 12 ngành thuộc 4 trường, cảnh cáo 4 đơn vị vì chưa có đất xây trường... Liệu những động thái này, vốn đang bị các cơ sở đào tạo NCL đánh giá là cứng và khắt khe, có phải là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo trong tương lai?

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Thăng Long. Ảnh: Lê Anh

Tiêu chí thiếu lộ trình?

Lãnh đạo một số trường NCL, một mặt thừa nhận có nhiều trường được thành lập khi chưa đủ điều kiện, quy hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất còn mang tính đối phó, kém khả thi, khó thực hiện được kế hoạch hoặc cam kết, không tuyển được đủ số SV cần thiết; mặt khác lại cho rằng tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH mới ban hành là chưa phù hợp. Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh gồm hai tiêu chí: 25 SV/1 giảng viên cơ hữu quy đổi, trong đó giảng viên thỉnh giảng không được tính vào con số quy đổi; tối thiểu phải đạt diện tích sàn 2m2/1 SV. GS Phạm Sỹ Tiến, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, đặt câu hỏi: Quy định này có khách quan và thiếu lộ trình thực hiện không? Một số trường quốc tế ở Việt Nam có bị điều chỉnh bởi các quy định này không? "Hai tiêu chí nêu trên có lẽ là nhằm giảm bớt số lượng SV NCL và không cho thành lập thêm trường NCL", GS Phạm Sỹ Tiến kết luận.

Trong khi đó, chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2000-2010 đã nêu chỉ tiêu là đến năm 2010 phải có 40% SV học ở các trường NCL và tiếp tục cho phép mở thêm trường, chủ yếu là trường NCL. Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL, đây là một chủ trương hết sức đúng, tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, trong số 250 trường được thành lập hoặc nâng cấp thì chỉ có khoảng 40 là trường NCL. Số SV NCL cũng chỉ mới chiếm 14%.

Ngoài ra, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến nay, tổng số cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam là 414 trường, trong đó số trường ĐH và CĐ NCL mới là 80/414, tức chưa đầy 20%. Tỷ lệ SV của các trường này chiếm 23,25% tổng số SV. Trong khi đó, theo Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ mà Chính phủ đã phê duyệt, tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ của cả mạng lưới đạt khoảng 4,5 triệu người vào năm 2020. GS Phạm Sỹ Tiến đã thử xét, nếu năm 2020, tỷ lệ SV NCL là 40% (1,8 triệu), thì trong vòng 9 năm tới mỗi năm cần tăng 162.900 SV NCL, cần thêm gần 100 trường ĐH và CĐ NCL với quy mô 15.000 SV/trường. Tức là vẫn cần có thêm trường NCL.

Còn về đóng góp của hệ thống trường NCL, GS Đặng Ứng Vận, Trường ĐH Hòa Bình, đánh giá: Khu vực NCL đảm nhận giáo dục và đào tạo cho 1/2 số trẻ mẫu giáo, 1/3 số trẻ mầm non, 1/20 số học sinh tiểu học, 1/200 số học sinh trung học cơ sở, 1/10 số học sinh trung học phổ thông, gần 1/3 số học sinh TCCN, 1/5 số SV CĐ và 1/7 SV ĐH. Nếu tính rằng ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT là 104/775 tỷ đồng (khoảng 20% ngân sách) thì xã hội hóa đã góp thêm vào đầu tư cho GD-ĐT ít nhất là 2% ngân sách. Con số này tương đương với 10.000 tỷ đồng, không hề nhỏ so với đóng góp ngân sách của các ngành kinh tế khác.

Có nên quá khắt khe?

Khẳng định giáo dục ĐH sẽ "không phát triển quá nóng" với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, những tiêu chí chặt chẽ nói trên về tỷ lệ giảng viên và diện tích xây dựng trường vừa qua đã được áp dụng khá nghiêm với một số trường. Thế nhưng, theo tính toán của GS Đặng Ứng Vận, Trường ĐH Hòa Bình, tỷ lệ giảng viên trong các trường NCL không thấp như đánh giá lâu nay. Ví dụ như trong các trường ĐH, số giảng viên NCL chiếm 14,8% trong khi số SV chỉ chiếm 13,2%. Trong các trường phổ thông, số giáo viên NCL chiếm 20% trong khi số học sinh chỉ chiếm 11,7%.

Về quy định diện tích xây dựng trường, theo GS Vận, thực tiễn cho thấy để đạt được các tiêu chí với một trường có 10.000 SV, theo giá cả hiện thời, cần có ít nhất 780 tỷ đồng chi cho xây dựng cơ sở vật chất, chưa tính đến đầu tư chiều sâu về trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu. Với lãi suất cho vay ưu đãi 15%/ năm, chi phí đầu tư tối thiểu là 120 tỷ đồng/năm hay 10 tỷ đồng/tháng và 1 triệu đồng/SV/tháng, GS Vận cho rằng những quy định nói trên là cao so với nguồn lực và điều kiện thực hiện.

GS Phạm Sỹ Tiến đề xuất, cần có thời gian để các trường NCL phát triển và nâng dần chất lượng đào tạo. Trong quá trình đó sẽ có sự đào thải tự nhiên cùng với việc giám sát của Nhà nước. Vì thế, cần có lộ trình áp dụng tiêu chí tính chỉ tiêu tuyển sinh, nên có nhiều mức độ, 25, 27 hoặc 30 SV/1 giảng viên quy đổi tùy theo từng trường. Giảng viên thỉnh giảng cũng nên được tính với mức độ hợp lý trong số giảng viên quy đổi. Diện tích nhà thuê lâu dài và hợp pháp để làm phòng học cũng nên được chấp nhận khi tính chỉ tiêu tuyển sinh. Theo ông Tiến, các trường NCL nên được tiếp tục cho phép thành lập với yêu cầu chặt chẽ, minh bạch nhưng không nên quá khắt khe.

Theo GS Trần Hồng Quân, các trường NCL hiện đang gặp khó khăn, nhưng sẽ vươn lên tự khẳng định, thể hiện vai trò quan trọng không thể chối cãi. Những yếu tố tích cực ở các trường NCL cần được nhìn nhận hợp lý trong xu thế phát triển ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu cao, nguồn lực thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.