Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yếu cả nhận thức và phương pháp

Đức Trường| 29/01/2010 07:33

(HNM) - Luật Tài nguyên nước năm 1998 nêu rõ:


Nước: Ngày càng thiếu

Nước sạch, luôn là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng.


Tài nguyên nước (TNN) của Việt Nam vừa không dồi dào, vừa ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Phần nước mặt từ ngoài lãnh thổ chảy vào nước ta chiếm tỷ lệ lớn, hơn 60% lượng nước; hơn 70% diện tích lưu vực của các hệ thống sông ngòi nằm ở nước ngoài.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, mức không đủ nước là dưới 1.700m3/ người/năm, còn nếu lượng nước sẵn có nằm trong khoảng 1.700m3-4.000m3/người/năm thì có khả năng xảy ra thiếu nước. Quan trắc cho thấy, lượng nước mặt tính bình quân đầu người hiện nay chỉ có khoảng 3.840m3/người/năm, nếu tính tổng lượng tài nguyên nước sông ngòi Việt Nam (kể cả từ nước ngoài chảy vào), bình quân đạt khoảng 10.000m3/người/năm.

Không chỉ vậy, lượng nước ở các lưu vực sông rất khác nhau, nhất là trong mùa khô. Nếu theo tiêu chuẩn quốc tế, trong mùa khô có 4 trong 16 lưu vực sông hiện thuộc nhóm "căng thẳng cao" là: Sông Mã, nhóm sông Đông Nam bộ, sông Hương và Đồng Nai; có 6 lưu vực sông thuộc nhóm "căng thẳng trung bình", trong đó lưu vực sông Hồng có mức khai thác cao nhất trong nhóm trung bình. Hiện nay, 80% lượng nước mùa khô của sông Mã được khai thác. Các sông ven biển Nam Trung bộ có mức khai thác sử dụng gần 75% lượng nước mùa khô. Tính trung bình toàn quốc, gần 82% lượng nước mặt được khai thác để tưới cho nông nghiệp.

Với tốc độ phát triển dân số như hiện nay, đến năm 2025, lượng nước mặt tính bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 2.830m3/người/năm, nếu tính cả lượng nước từ nước ngoài chảy vào, bình quân đạt 7.660m3/ người/năm. Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Như vậy, nếu chỉ tính riêng lượng TNN mặt sản sinh trên lãnh thổ nước ta thì ở thời điểm hiện nay, nước ta đã là quốc gia thiếu nước và Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức về TNN trong tương lai gần. Hơn nữa, BĐKH toàn cầu sẽ làm giảm nguồn nước. Các kết quả nghiên cứu gần đây ở Việt Nam đã dự báo, tổng lượng nước mặt của nước ta vào năm 2025 chỉ bằng khoảng 96%, năm 2070 khoảng 91% và năm 2100 khoảng 86% so với hiện nay.

Thực trạng trên làm gia tăng cạnh tranh với cả nước mặt và nước dưới đất trong mùa khô, ngày càng có ít nước cung cấp cho các cộng đồng dọc theo các con sông. Thực tế khai thác nước dưới đất ở mức cao đã gây nên sự tụt giảm mực nước nhanh chóng ở các vùng quanh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Tây Nguyên.

Quản lý chưa xứng tầm

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không đi đôi với việc bảo vệ môi trường đã có những tác động tiêu cực đến TNN. Ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô. Nguồn nước dưới đất ở nhiều đô thị, ở một số khu vực đồng bằng cũng đã bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ khó phân hủy, hàm lượng vi khuẩn cao. Các biểu hiện suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất đang trở nên rõ rệt và phổ biến. Nhưng công tác quản lý TNN lại yếu, nhất là so với vai trò của nước trong sự phát triển bền vững của một quốc gia, một dân tộc.

Thực trạng TNN ở Việt Nam đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải tăng cường hơn nữa. Theo thống kê, hiện có khoảng 8,5 triệu người ở các đô thị không được tiếp cận với nước sạch. Những người được tiếp cận với nước sạch, tiêu chuẩn hiện hành rất thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Ở nông thôn, mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn 21 triệu người chưa được tiếp cận với nước sạch và có tới 41 triệu người không được cấp nước theo tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.

Trong một cuộc hội thảo về TNN diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh, hiện nay nhu cầu nước cho các ngành kinh tế không ngừng gia tăng về số lượng, đòi hỏi cao hơn về chất lượng, cùng với nó là BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi phải đổi mới công tác quản lý TNN. Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại trong việc quản lý TNN. Trong đó, việc thực hiện, vận dụng các nguyên tắc quản lý tổng hợp mới chỉ bắt đầu và thiếu thông tin, số liệu về TNN. Đặc biệt, TNN chưa được đánh giá đúng mức, chưa được coi là thành phần thiết yếu của hệ sinh thái. Nhận thức về các vấn đề như quyền về nước, chia sẻ nguồn nước trong mùa khô... còn chưa đầy đủ. Trong khai thác sử dụng TNN, các bộ, ngành vẫn thường tập trung vào nhu cầu riêng của từng ngành, chưa quan tâm đầy đủ đến nhu cầu của các ngành khác. Chính cách quản lý TNN chưa đổi mới là nguyên nhân làm cho nhiều lưu vực sông bị suy thoái, khan hiếm, cạn kiệt nguồn nước và gây ra những hạn chế về cấp nước và vệ sinh đô thị.

Thực tế, TNN chưa được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Vai trò điều phối TNN của cơ quan quản lý nhà nước cho các mục đích sử dụng nước và giữa thượng lưu với hạ lưu chưa được phát huy do có sự chồng chéo về nhiệm vụ quản lý lưu vực sông giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đó là chưa kể đến một loạt yếu kém khác như công tác quy hoạch TNN mới chỉ tiến hành bước đầu; việc thăm dò, khai thác, sử dụng TNN và xả nước thải vào nguồn nước chưa được quản lý chặt chẽ; nhiều vụ vi phạm pháp luật về TNN chưa được kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời; tổ chức bộ máy làm công tác quản lý TNN vừa thiếu, vừa yếu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Yếu cả nhận thức và phương pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.