(HNM) - Xây đã lâu, lại luôn phải chịu đựng mật độ phương tiện lưu thông dày đặc khiến cây cầu Muỗi bắc qua con suối thôn Muỗi trên đường Tản Lĩnh - Yên Bài (huyện Ba Vì) luôn trong tình trạng nguy hiểm, tắc đường như cơm bữa.
"Lỗ thủng" chết người
Cây cầu Muỗi bắc qua con suối thôn Muỗi, xã Yên Bài (Ba Vì).
Cầu Muỗi được xây dựng từ những năm đầu thập niên 7 của thế kỷ XX. Trước đây, cây cầu còn khỏe, xe tăng, thiết giáp vẫn qua lại. Những năm sau đó, cầu bị hư hỏng nặng và được sửa chữa, chống xuống cấp nhiều lần. Đến năm 2010, đại lộ Thăng Long nối với tuyến đường Tản Lĩnh - Yên Bài thông tuyến, mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến đường này càng dày, cầu Muỗi xuống cấp nghiêm trọng, người điều khiển xe cộ qua lại luôn nơm nớp vì không biết cầu sập lúc nào. Dưới gầm cầu hiện vẫn còn nguyên vẹn gần chục mảnh vá lỗ thủng nham nhở, trụ cầu có hiện tượng lún sụt, dầm cầu bị võng, mố cầu thì bị sạt, trên mặt cầu lộ rõ 2 lỗ thủng, mỗi lỗ rộng gần một mét vuông, lan can cầu bị gãy một số đoạn. Ông Trần Quang Khuyên, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì cho biết, hằng ngày cây cầu phải cõng hàng trăm lượt xe quá khổ, quá tải; trở thành điểm "nóng" ùn tắc giao thông mỗi khi phương tiện dừng, chuyển hướng. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Công an xã Yên Bài xác nhận, hai năm trở lại đây, trên cây cầu này đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông thường xảy ra vào ban đêm, do trời tối nên người điều khiển phương tiện đã lao xe vào các lỗ thủng, có người đã phải đưa đi viện cấp cứu. Thê thảm nhất là vụ tai nạn giao thông giữa xe công nông và một xe máy, khiến một người chết. Ông Nguyễn Văn Nắm, thôn Chóng, xã Yên Bài than thở: "Chúng tôi lo lắm, những lỗ thủng trên mặt cầu chẳng khác gì những cái bẫy chết người. Nếu xã Yên Bài không lấp tạm 2 lỗ thủng trên mặt cầu Muỗi vào trung tuần tháng 10 năm 2010 và đổ 4 xe đất để hạn chế xe tải lưu thông thì cầu sập lâu rồi!".
Theo ông Trần Quang Khuyên, sau khi nhận được ý kiến của xã Yên Bài, huyện Ba Vì đã cho làm barie để hạn chế xe tải qua cầu và tiến hành bịt các lỗ thủng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Hànộimới, trong ngày 22-3, trên mặt cầu chỉ có một lỗ thủng được che đậy bằng tấm tôn, xung quanh chưa có biển cảnh báo cầu yếu để người tham gia giao thông cảnh giác.
Cần một cây cầu mới
Ông Nguyễn Văn Mể, Chủ tịch UBND xã Yên Bài khẳng định, đại lộ Thăng Long nối với tuyến đường Tản Lĩnh - Yên Bài đã thu hẹp khoảng cách giữa nội thành với 7 xã nghèo huyện Ba Vì, mở ra cơ hội giao lưu phát triển kinh tế, xã hội cho các xã này. Hằng ngày có hàng nghìn lượt du khách đến với các điểm du lịch khu vực sườn Đông núi Ba Vì. Không chỉ có vậy, việc lưu thông trao đổi hàng hóa ngày càng thuận lợi hơn do giao thông thông suốt. Trước đây, khách du lịch đến các điểm du lịch thường đi đường cũ qua thị xã Sơn Tây, mất nhiều hơn gần 1 giờ so với hiện nay. Tốn thời gian, mật độ giao thông lại đông nên các điểm du lịch chưa thật sự hấp dẫn khách du lịch. Kể từ khi thông tuyến, du khách đến với Ba Vì ngày càng nhiều, vì vậy kinh tế của 7 xã miền núi của huyện hứa hẹn bước tiến khởi sắc. Tuy nhiên, niềm vui đó chẳng "tày ngang", du khách đến với các điểm du lịch cảm thấy mất vui do phải "mua đường". Ông Nguyễn Văn Mể cho rằng, việc dựng barie hạn chế phương tiện qua lại chẳng khác gì "ngăn sông cấm chợ", ảnh hưởng lớn đến việc giao lưu phát triển kinh tế, xã hội không chỉ riêng xã Yên Bài, mà của cả 7 xã. Ông Nguyễn Văn Mể gay gắt: "Nếu cứ để như thế này mãi thì không ổn. Huyện Ba Vì cần đầu tư xây dựng ngay một cây cầu mới thay thế cầu cũ". Ông Khuất Quang Nhuệ, thôn Bài, xã Yên Bài lên tiếng: "Đây là con đường huyết mạch nối đại lộ Thăng Long với 7 xã miền núi huyện Ba Vì, nếu cứ để như vậy thì người dân khổ quá! Mỗi khi chở hàng hóa, vật tư, nguyên liệu qua cầu Muỗi lại phải "tăng bo" sang phương tiện khác, rất tốn kém".
Trước những bức xúc của người dân địa phương và một số doanh nghiệp đang đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, đã có doanh nghiệp xin tự bỏ tiền ra làm một công trình ngầm và sẵn sàng thiết kế cây cầu Muỗi mới. Thông tin là thế, nhưng không biết khi nào mới có cầu, bởi có thực hiện được thì cũng cần có những cơ chế đặc thù trong quá trình đầu tư - ông Nguyễn Văn Mể nhận xét.
Liên quan đến trách nhiệm của huyện Ba Vì, theo ông Trần Quang Khuyên, trong lúc chờ ý kiến của cơ quan cấp trên có thẩm quyền về việc đầu tư xây dựng cây cầu Muỗi mới, trước mắt, ý tưởng làm tuyến công trình ngầm sẽ giải quyết được vấn đề lưu thông hàng hóa và phục vụ phát triển du lịch. Về lâu dài, rất cần thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng cây cầu Muỗi mới vì điều kiện kinh tế của huyện Ba Vì còn khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.