Sau Google, Microsoft, Facebook và Apple, Yahoo là hãng công nghệ lớn tiếp theo tiết lộ chi tiết về việc cung cấp thông tin của người dùng cho chính phủ Mỹ, một vấn đề đang rất được quan tâm và gây ra nhiều tranh cãi hiện nay.
Yahoo cho biết, hãng đã nhận được 13.000 yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan hành pháp Mỹ. Với con số này, Yahoo trở thành hãng công nghệ có số lần yêu cầu cung cấp thông tin người dùng lớn nhất từ phía chính phủ Mỹ, vượt qua cả Facebook, Microsoft lẫn Apple.
Yahoo cho biết các yêu cầu được thực hiện trong vòng 6 tháng, cho đến hết tháng 5 vừa qua, với các thông liên quan đến các vụ việc gian lận, giết người, điều tra hình sự…
Thêm một “ông lớn” thừa nhận cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ |
Yahoo thừa nhận không thể làm khác vì những quy định của Đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA - Foreign Intelligence Surveillance Act, tuy nhiên hãng cũng khẳng định không dính dáng và liên quan đến dự án PRISM vừa bị phanh phui, mà trong đó cho phép chính phủ Mỹ truy cập trực tiếp máy chủ của các hãng công nghệ để lấy mọi thông tin cần thiết.
“Chúng tôi đã phải rất vất vả trong nhiều năm để lấy được lòng tin từ người sử dụng và phải rất cố gắng để giữ được nó”, CEO Marissa Mayer cho biết trong một thông báo. “Chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều hành động hơn nữa để bảo vệ sự riêng tư của người dùng và sử dụng mọi khả năng để bảo vệ điều đó”.
Yahoo cho biết sẽ phát hành các báo cáo minh bạch về các yêu cầu có liên quan đến dữ liệu người dùng vào cuối năm nay và dự định sẽ phát hành báo cáo mỗi 6 tháng tiếp theo để cung cấp những số liệu mới nhất.
Trước đó, Google là hãng tiên phong trong việc thừa nhận có cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ. Tiếp theo sau động thái của Google, Facebook, Microsoft và mới đây nhất là Apple vào ngày hôm qua cũng đã lên tiếng thừa nhận hành động tương tự.
Trong đó, Apple đã nhận được khoảng 5.000 đến 6.000 yêu cầu thông tin khách hàng từ chính phủ Mỹ trong nửa cuối năm 2012. Con số này đối với Facebook là 9.000 đến 10.000 và 6.000 đến 7.000 đối với Microsoft.
Mặc dù là hãng tiên phong trong việc thừa nhận sự việc tuy nhiên Google không công bố con số chi tiết về số lượng yêu cầu mà hãng nhận được.
Hiện các hãng công nghệ lớn, bao gồm cả Google, Microsoft, Apple, Facebook, Yahoo… đang cùng kêu gọi chính phủ Mỹ xem xét lại lập trường của mình về vấn đề giám sát thông tin người dùng.
Đạo luận Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA) là đạo luật đã từng được ban hành từ năm 1978 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Đây là đạo luật cho phép các cơ quan tình báo giám sát các thông tin liên lạc của công dân nước ngoài tại Mỹ, mà mục đích được đưa ra nhằm chống lại các hành động phi pháp và hoạt động khủng bố. Đạo luật này đã được tận dụng triệt để hơn dưới thời của tổng thống Obama.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.