Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý thức và trách nhiệm cộng đồng

Thế Phương| 13/10/2010 06:03

(HNM) - Những ngày Đại lễ, hàng triệu đồng bào đổ về Thủ đô để được chứng kiến, để được sống trong thời khắc linh thiêng nghìn năm có một khi Thăng Long - Hà Nội bước vào thiên niên kỷ thứ hai.


Những đoàn người hân hoan, bật lên những tiếng hô: "Tôi yêu Hà Nội!" trong ngập tràn cảm xúc, nhân lên lòng tự hào về một Thủ đô lắng hồn núi sông ngàn năm. Thế nhưng bên cạnh những hình ảnh tuyệt vời đó là câu chuyện rất buồn mà giới truyền thông đã nhiều lần lên tiếng, thậm chí Hà Nội đã tổ chức nhiều chiến dịch tẩy trừ nhưng vẫn chưa làm chuyển được nhận thức trong mỗi con người: Chuyện xả rác!

Sau mỗi chương trình lễ hội, sau lễ diễu binh, diễu hành mừng Đại lễ, trên các tuyến phố Nguyễn Thái Học, Kim Mã… tràn ngập rác. Rác trên vỉa hè, rác dưới lòng đường, thôi thì đủ thứ, đồ ăn, thức uống… cả giấy lót chỗ ngồi của những người dân từ khắp nơi về chờ đón các đoàn diễu binh, diễu hành đi qua, "để quên" trên hiên nhà của những người dân hàng phố. Sân vận động Mỹ Đình sau đêm nghệ thuật "Thăng Long - Hà Nội thành phố Rồng bay" còn khủng khiếp hơn: Thảm cỏ, vườn cây tan hoang, rác bừa bãi khắp quảng trường ngoài sân vận động, lan vào trong sân; kể cả nơi tập trung của các diễn viên tham gia chương trình cũng vương vãi đầy rác…

"Tôi yêu Hà Nội" mà hành động như vậy sao? Những việc làm vô ý thức ấy đã cho thấy một hình ảnh không đẹp hay nói cách khác là cách hành xử thiếu văn hóa của không ít người dân đối với cộng đồng. Đó là điều không thể chấp nhận với không chỉ người Hà Nội.
Trong dịp Đại lễ vừa qua, công nhân môi trường đô thị của Hà Nội đã tổ chức thu gom, xử lý 34.200 tấn rác; quét, hút bụi trên 5.400km đường; thu dọn 15.000 tấn đất cát, phế thải… Công việc gần gấp đôi so với ngày thường. Có thể nói đó là một sự cố gắng cao độ cho thành công chung của ngày hội non sông, cho Hà Nội khang trang hơn, sạch đẹp hơn trong mắt mỗi người dân nước Việt và bạn bè quốc tế. Có chăng chỉ là việc Công ty TNHH NN MTV Môi trường Đô thị Hà Nội không lường được hết lượng người đổ về các tuyến phố có đoàn diễu binh, diễu hành đi qua hay tại sân vận động Mỹ Đình để bố trí nhiều thùng rác di động hơn ở những địa điểm này. Nhưng thử hỏi nếu có làm vậy thì có thể tránh được rác thải tràn ngập khắp nơi hay không khi mỗi người dân vẫn cứ tùy tiện xả rác ra bất cứ nơi nào, miễn không phải là nhà mình!

"Tư duy làng xã" là một phần của văn hóa Việt Nam, góp phần tạo nên tính cách Việt, tinh thần Việt, đó là những nét đẹp trong cố kết cộng đồng, trong đấu tranh, lao động... Nhưng mặt hạn chế của tư duy này lại là sự bảo thủ, trì trệ…, lối sống "cha chung không ai khóc" đã ăn vào ý thức khiến không ít người chỉ nghĩ đến việc dọn sạch nhà mình, còn đường làng, ngõ xóm là của chung thiên hạ. Cũng chính với thứ tư duy đó mà không ít người dân coi vứt rác ra đường là chuyện bình thường, dẫm nát các thảm cỏ, bồn hoa cũng là chuyện bình thường. Họ không cần biết hoặc cố tình không biết rằng, để có những con đường, những bồn hoa đẹp đẽ ấy, Nhà nước và nhân dân đã phải đổ bao công sức và đã chi vào đó bao nhiêu tiền.

Thăng Long - Hà Nội đã bước sang thiên niên kỷ thứ hai với một tầm thế mới. Nhưng thành phố có thật sự văn minh, hiện đại hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người. Vứt rác ra đường, vẽ bậy lên tường chỉ là một trong nhiều hành động, cách ứng xử thiếu văn hóa mà chúng ta phải tẩy trừ và kiên quyết tẩy trừ. Nhưng lớn hơn, nếu mỗi người dân vẫn hành xử theo lối vô tư "bôi bẩn" đường phố ấy thì cũng có nghĩa là đang tự đi ngược lại tình yêu Hà Nội mà họ luôn hô to.

Hãy vì tình yêu Hà Nội, vì sự phát triển của Thủ đô mà chính mỗi người hãy tẩy trừ căn bệnh cố hữu mang nặng mặt trái của lối sống không văn minh để xây dựng một cộng đồng văn minh, có văn hóa, làm nền tảng cho sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức và trách nhiệm cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.