(HNMO) - Về Hà Tĩnh, chứng kiến những đổi thay ở những vùng quê nghèo mới thấy hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân trong việc kêu gọi, tận dụng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Trong cuộc gặp ngắn với anh em báo chí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Thiện, đánh giá cao các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo và hỗ trợ nâng cao đời sống cho nhân dân ở các vùng khó khăn. Cùng với đó, thời gian gần đây, công tác này còn nhấn mạnh vào những hướng đi mới đó là phát triển một số chương trình, dự án hướng đến việc nâng cao nhận thức và chăm sóc bảo vệ người dân.
Dẫn chúng tôi tới xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, Trần Văn Lợi, cán bộ Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), cho biết, dù mới triển khai, nhưng mô hình “Đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn” do dự án “Áp dụng chuỗi giá trị nhằm cải thiện sinh kế nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai” giới thiệu đã rất thành công tại đây.
Tới thăm hộ anh Trần Xuân Bính, ở xóm 7, dù khu chuồng nuôi đặt ngay gần cổng nhưng tuyệt nhiên không thấy có mùi ở chuồng trại. Gần 40 con lợn nuôi của gia đình đang phát triển khỏe mạnh. Anh Bính cho biết, từ ngày làm đệm lót sinh học, chuồng lợn gia đình không còn mùi phân nồng nặc như xưa nữa. Hơn nữa không phải mất công tắm rửa cho lợn, dọn dẹp chuồng nhiều như trước kia. Hơn nữa, đàn lợn của gia đình anh tăng trưởng tốt, ít bị nhiễm dịch bệnh.
Trao đổi về mô hình này, Trần Văn Lợi cho biết, dự án này được tổ chức phi chính phủ Manos Unidas (Tây Ban Nha) tài trợ (giai đoạn 2012-2014), sẽ được nhân rộng tại huyện Can Lộc trong thời gian tới. Mô hình đệm lót sinh học rất đơn giản chỉ là một lớp lót trên bề mặt sàn được tạo thành bởi trấu, mùn cưa, bột ngô và men vi sinh nhưng mang lại nhiều tác dụng. Trong đệm lót chứa một quần thể các vi sinh vật có thể cùng tồn tại với nhau, có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ cũng như ức chế các vi sinh vật có hại, gây bệnh cho vật nuôi. Bên cạnh đó, những vi sinh vật này còn có khả năng lên men giúp tiêu hủy nước tiểu, phân làm giảm các khí độc và mùi hôi trong chuồng. Nhờ vậy mà phương pháp chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học không làm ô nhiễm môi trường, giúp hạn chế ruồi muỗi và các vi sinh vật có hại trong chăn nuôi. Mô hình này vì thế rất phù hợp cho những hộ gia đình sống trong khu dân cư đông đúc muốn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Lợi cho biết, đầu tư cho việc sử dụng đệm lót sinh học này không cao. Sau khi gia đình đầu tư chuồng trại, sẽ mua gói men vi sinh (100 nghìn đồng/gói/35m2 chuồng). Chính nhờ những hiệu quả thiết thực và rõ rệt, mô hình đệm lót sinh học đã nhận được nhận xét tích cực của các hộ thí điểm và thu hút sự quan tâm của người dân trong xã. Thời gian tới, dự án sẽ nhân rộng mô hình trong toàn huyện giúp người dân cải thiện việc tăng gia sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với anh em báo chí những ngày giữa tháng 11 này, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hà Tĩnh, chị Đào Thị Thu Hương, cho biết không chỉ ở mô hình "Đệm lót sinh học", thời gian qua, các huyện đã tận dụng hiệu quả những mô hình mà các tổ chức phi chính phủ nước ngoài mang lại. Cụ thể như chương trình tài chính vi mô đã hỗ trợ đắc lực cho bà con nghèo của tỉnh. Mô hình này tiền thân là của tổ chức phi chính phủ quốc tế ActionAid tại Việt Nam hỗ trợ cho tỉnh. Sau khi tổ chức này rút đi, với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp trong huyện, trung tâm PPC đã ra đời và duy trì việc hỗ trợ bà con nghèo. Với phương thức hoạt động: cung cấp các dịch vụ tài chính quy mô nhỏ cho những người có thu nhập thấp; cho vay tín dụng vi mô và chỉ nhận gửi những khoản tiết kiệm rất nhỏ từ người vay, PPC đã trợ giúp cho hàng nghìn phụ nữ nghèo trên địa bàn huyện vượt qua các thời điểm khó khăn. Theo thống kê, đến tháng 5-2013, với địa bàn hoạt động tại 9 xã tại vùng núi Trà Sơn, PPC đã giúp gần 4.500 hộ gia đình.
Theo chị Hương, tới nay, nhiều hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đã mang lại sự đổi thay rõ rệt cho từng vùng quê. Như Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh (HCCD), một tổ chức phi chính phủ địa phương, với tiêu chí tìm kiếm nguồn tài trợ nước ngoài sau đó tiến hành các hoạt động tài trợ cho địa phương, thời gian qua đã có nhiều hoạt động thiết thực. HCCD đã tổ chức chương trình ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn huyện Vũ Quang, hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Vũ Quang làm kinh tế với mô hình nuôi ong: cung cấp con giống, phối hợp với hội nông dân tiến hành mô hình nuôi ong lấy mật. Đến nay, nuôi ong ở Vũ Quang đã phát triển thành một điểm sáng kinh tế để thoát nghèo.
Rõ ràng, tuy quy mô các dự án từ nguồn viện trợ phi chính phủ còn nhỏ và vừa, song việc tập trung tài trợ cho các lĩnh vực như phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, nâng cao dân trí … đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở những vùng khó khăn của tỉnh, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giúp cải thiện đời sống kinh tế xã hội cho người dân nơi vùng dự án, góp phần không nhỏ vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.