Ông Tạ Văn Tâm (cán bộ hưu trí xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất): Mong Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết liệt hơn nữa Qua theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội được truyền hình trực tiếp, tôi thấy 24 câu hỏi của các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đều đi thẳng vào những vấn đề mà người dân đang rất bức xúc và Bộ trưởng cũng trả lời rất thẳng thắn, không né tránh…
Qua theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội được truyền hình trực tiếp, tôi thấy 24 câu hỏi của các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đều đi thẳng vào những vấn đề mà người dân đang rất bức xúc và Bộ trưởng cũng trả lời rất thẳng thắn, không né tránh… Theo tôi, ngoài giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về lĩnh vực giao thông, thì ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông là hết sức quan trọng. Không thể vô ý thức đến mức, ở những nơi Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng đường hầm, cầu vượt cho người đi bộ mà nhiều người vẫn cố tình đi bộ cắt ngang qua đường, vừa gây cản trở giao thông, vừa nguy hiểm đến tính mạng của mình. Người dân chúng tôi rất kỳ vọng vào Bộ GTVT và Bộ trưởng vào cuộc quyết liệt hơn nữa để thực hiện bằng được mục tiêu giảm ùn tắc, tai nạn giao thông hiện nay.
* Ông Nguyễn Văn Dân (Chủ doanh nghiệp tư nhân ở xã Trung Văn, huyện Từ Liêm): Vấn đề là tổ chức, quản lý con người
Nghe trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, tôi đồng ý với một số giải pháp đưa ra, đặc biệt là việc lưu tâm đến chất lượng công tác quản lý Nhà nước, trong đó vai trò người thực thi nhiệm vụ là yếu tố quyết định. Mọi thành công, thất bại đều do con người. vì con người xây dựng quy hoạch, thẩm định chất lượng các công trình, đưa ra các chính sách, đồng thời cũng là người thực thi tất cả. Những tồn tại của ngành giao thông - vận tải như hiện nay, ngoài trách nhiệm chính của ngành còn có sự “cộng hưởng” từ các ngành liên quan, nhất là ngành xây dựng và công an. Nguyên nhân của những hạn chế đã được chỉ ra, song việc tổ chức, quản lý con người ra sao mới là vấn đề mang lại hiệu quả trên thực tế. Nếu cán bộ, công chức của các ngành này khi thi hành công vụ đều nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật, không vụ lợi thì tôi tin chất lượng công trình sẽ đảm bảo, phương tiện tham gia giao thông sẽ được đăng kiểm chính xác, chất lượng các cơ sở đào tạo lái xe sẽ được cải thiện và ý thức của mỗi người tham gia giao thông sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực…
* Ông Nguyễn Trường Sơn (tổ dân phố 17, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy):Địa phương cũng phải có trách nhiệm
Nội dung trả lời chất vấn tại Quốc hội vào sáng 23-11 của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đều là những vấn đề “nóng”, gây bức xúc trong dư luận đã lâu nên các phương án, cách thức tiến hành xử lý của Bộ trưởng nêu ra khó tránh khỏi vẫn chung chung, chưa nói đến trách nhiệm cụ thể của ngành GT-VT và chính quyền địa phương. Chẳng hạn về các giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội là lòng đường, vỉa hè phải dành cho giao thông, trong khi nơi tôi cư trú là phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), chỉ trong 2 năm 2010 và 2011 đã hình thành 4 điểm trông giữ xe do Sở GT-VT cấp phép. Đặc điểm của những bãi đỗ xe này là chiếm 1/3 lòng đường, trong khi đường có bề rộng chỉ 6-7m, làm sao không gây lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông được? Vậy thì trách nhiệm của ngành GT-VT địa phương ở đâu? Tất nhiên, với vai trò quản lý nhà nước, các giải pháp Bộ trưởng nêu ra phải mang tầm vĩ mô nhưng điều tôi muốn nói rằng, nếu không giải quyết vấn đề tận gốc, không làm rõ trách nhiệm của ngành GT-VT địa phương thì không bao giờ thay đổi được.
* Bà Nguyễn Thị Mai, phường Quỳnh Mai ( quận Hai Bà Trưng): Các vấn đề bức xúc đã được đề cập
Nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 23-11, tôi thấy tương đối thỏa mãn vì các vấn đề bức xúc, thời sự nhất hiện nay của đất nước như việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường xuất khẩu và tạo dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu; giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; các giải pháp giữ 3,8 triệu hécta đất trồng lúa... đều được đề cập đến và trình bày ở nhiều góc độ khác nhau. Cách trả lời của Bộ trưởng cũng khá cụ thể và có sức thuyết phục...
* Ông Nguyễn Doãn Thiều, ngõ 135 phố Đội Cấn (Ba Đình):Cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT
Theo dõi trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tôi thấy chưa làm rõ được trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ xung quanh một việc “nóng” là cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng. Mặc dù Bộ trưởng đánh giá các tỉnh đã thực hiện chặt chẽ trình tự, thủ tục cho thuê đất rừng tự nhiên, nhưng trong quá trình xây dựng dự án, do chủ yếu dựa vào báo cáo của huyện và xã, nên nhiều tỉnh đã cấp phép đầu tư với quy mô, diện tích vượt quá khả năng thực tế, thậm chí là dự kiến cho thuê cả những diện tích rừng đã có chủ và rừng tự nhiên. Tuy mới đây, Chính phủ có quyết định tạm dừng việc cấp phép đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đất mới, nhưng cũng cần làm rõ hơn trách nhiệm của các cá nhân ký giấy phép đầu tư, cũng như các biện pháp cụ thể hơn của Chính phủ (mà Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu trình) để xử lý vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.