Phải biến lời nói thành hành động cụ thể
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội):
Phải biến lời nói thành hành động cụ thể
Còn một số câu trả lời mà cử tri và các ĐB cảm thấy chưa hài lòng, đặc biệt là phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quản lý vàng. Đáng lẽ, trước khi ban hành văn bản thì phải lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Thống đốc đã nhận khuyết điểm là chưa tuyên truyền mạnh, nhưng theo tôi cách giải thích này không đúng bởi xuất phát điểm của vấn đề đã không đúng rồi. Về phần trả lời của Thủ tướng xung quanh các vấn đề nóng hiện nay, tôi thấy cần có sự điều chỉnh, thay đổi phương pháp điều hành để biến lời nói thành hành động cụ thể.
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh):
Cần độ trễ nhất định trong quản lý vàng
Tôi rất muốn Thủ tướng làm rõ hơn về cách điều hành của Chính phủ đối với thị trường vàng thời gian qua nhưng rất tiếc, do không có đủ thời gian nên tôi không thể chất vấn Thủ tướng về vấn đề này. Tôi đồng tình với việc Chính phủ độc quyền về quản lý vàng cũng như việc đưa ra một thương hiệu riêng của Nhà nước, thế nhưng, với cách làm có phần vội vã, trong khi khâu tuyên truyền, thông tin cho người dân không tốt tạo nên dư luận hoang mang không đáng có. Thêm nữa, chính sách "hút vàng" từ trong dân của Chính phủ cũng cần xem lại. Việc Chính phủ huy động vàng trong dân như hiện nay chưa chắc đã hợp lý. Chính phủ cần có cách xử lý phù hợp, có một độ trễ nhất định để tránh gây ra những xáo trộn trong nhân dân như thời gian qua.
ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên):
Cần báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri
Cũng như nhiều ĐB khác, tôi đồng tình và đánh giá cao việc Chính phủ và một số bộ trưởng đã có báo cáo xem xét giải quyết kiến nghị, ý kiến của cử tri, chất vấn của ĐBQH. Theo tôi, đây là bước chuyển biến tốt, tích cực, nhưng để mang lại hiệu quả, các nội dung trong báo cáo phải biến thành hành động trong cuộc sống. Tôi hy vọng báo cáo lần tới của Chính phủ và một số bộ, ngành phải đánh giá và nêu ra được từ những ý kiến, kiến nghị của cử tri, các bộ trưởng, trưởng ngành đã giải quyết như thế nào, cái gì đạt được và chưa đạt được, điều gì còn nợ cử tri, nợ ĐBQH. Đây chính là cơ sở để người dân và ĐBQH giám sát tốt hơn các vấn đề đã được cử tri và QH đề cập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.