(HNM) - Mặc dù mới thành lập năm 2009, song Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Không chỉ tổ chức các đoàn tình nguyện thăm, khám, phát thuốc miễn phí tại các địa phương có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong cả nước; Hội đã và đang vươn xa hơn với Dự án đưa bác sĩ trẻ về với 62 huyện nghèo trong cả nước; nâng cao năng lực chuyên môn và y đức của những người làm nghề…
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Bá Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới nhằm làm rõ thêm tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ thầy thuốc trẻ trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng hiện nay.
Những việc làm đầy tính nhân văn
- Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Trong lúc các bệnh viện tuyến trung ương thường xuyên quá tải thì sự ra đời của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam với nhiều hoạt động ý nghĩa đã được cộng đồng đón nhận như một món quà vô giá. Anh có nghĩ vậy không?
- Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các thầy thuốc trẻ Việt Nam để cùng phấn đấu, góp sức vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hơn 3 năm hoạt động, cả nước đã có 56/63 tỉnh, thành phố thành lập tổ chức hội, CLB thầy thuốc trẻ cấp tỉnh, bệnh viện với hơn 80.000 hội viên. Với khẩu hiệu hành động “Thầy thuốc trẻ Việt Nam nâng cao tầm y đức và năng lực chuyên môn; đoàn kết tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, mỗi năm Hội khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho khoảng 1 triệu lượt người. Việc làm của Hội mang tính cộng đồng sâu sắc, được người dân ghi nhận, chính quyền các cấp đánh giá cao.
- Tiêu chuẩn gia nhập Hội như thế nào? Liệu có sự “đánh trống ghi tên” như một số tổ chức nghề nghiệp khác không?
- Hội là tổ chức hoạt động xã hội nghề nghiệp, tập hợp các bác sĩ, dược sĩ ngành y tế, tuổi từ 25 đến 45, có nhu cầu đóng góp cho cộng đồng. Qua gần 4 năm hoạt động, tôi khẳng định mọi hội viên đều rất nhiệt tình hưởng ứng, tham gia tích cực 3 cuộc vận động lớn của Hội. Đó là “Thầy thuốc trẻ học tập, rèn luyện nâng cao y đức”, “Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học”, “Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng”. Ngày thường thì bận rộn làm việc ở các bệnh viện, song cuối tuần khi Hội huy động, họ sẵn sàng khoác ba lô lên đường đến vùng sâu, vùng xa, làm tình nguyện mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
- Có thật các hội viên không đòi hỏi lợi ích gì không? Có thể họ không cần vật chất, nhưng còn những thứ khác thì sao, thưa anh?
- Đó cũng là vấn đề chúng tôi luôn tìm hiểu và trăn trở trong quá trình vận động, quy tụ hội viên. Có thể họ không đòi hỏi về tiền bạc, nhưng tham gia vào những hoạt động của Hội, họ được cọ sát thực tiễn, hiểu và chia sẻ với người dân nghèo và cống hiến cho cộng đồng. Theo quan điểm của tôi, thanh niên có 5 nhu cầu gồm học tập, làm việc, vui chơi giải trí, mở rộng quan hệ và khẳng định bản thân. Hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ trước những nhu cầu ấy.
- Qua thực tiễn, đâu là nhu cầu cấp thiết của các thầy thuốc trẻ hiện nay?
- Theo tôi, trước hết là vì người nghèo, sau đó là chiều sâu khẳng định mình về nghề. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam là thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Với phong trào “Khi Tổ quốc cần”, tôi thấy, mỗi thanh niên Việt Nam nói chung cũng như hội viên của Hội nói riêng đều muốn làm một điều gì đó giúp ích cho những người nghèo. Họ luôn suy nghĩ và hành động vì điều đó. Chúng tôi đang tổ chức nhiều hoạt động để khơi dậy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ ngành y tế, đó cũng là chiều sâu của y đức, của những người làm nghề. Hiện nay, các bệnh viện đều quá tải, chính sách đối với ngành y tế còn nhiều bất cập, cuộc sống của mỗi cá nhân còn nhiều thứ phải lo toan nên đâu đó vẫn còn chuyện này, chuyện khác. Tuy nhiên, qua hoạt động tình nguyện, mỗi người trẻ đều sẵn sàng đóng góp hết mình cho việc chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Như vậy, những hoạt động của Hội đã khơi gợi được tính hướng thiện trong mỗi con người. Nhiều hội viên qua phản ánh, trò chuyện đều cho biết, những chuyến đi tình nguyện đã giúp họ tìm thấy niềm vui khi được chia sẻ với những người dân còn khó khăn. Từ đó, họ thấy yêu ngành, yêu nghề, yêu công việc của mình hơn. Gặp những người dân, những trẻ em miền núi đời sống vốn đã hết sức khó khăn, thiếu thốn, lại bị bệnh tật đe dọa, hành hạ, nhiều hội viên đã vét những đồng tiền cuối cùng trong người để chia sẻ với bà con. Những hình ảnh đầy ấn tượng và cảm động đó chắc chắn sẽ còn đọng mãi và giúp từng thầy thuốc, bác sĩ trẻ sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Tính thiết thực đặt lên hàng đầu
- Khi huy động lực lượng tham gia các đoàn khám bệnh tình nguyện, Hội có gặp khó khăn không, thưa anh?
- Với các tổ chức khác có thể là khó, nhưng đối với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thì rất thuận lợi. Quan trọng là quy tụ được anh em rồi thì Hội phải tổ chức như thế nào cho những chuyến đi mang ý nghĩa, hiệu quả và có dấu ấn với địa phương nơi đến. Đặc biệt, lãnh đạo các bệnh viện cũng rất ủng hộ hoạt động của Hội. Tôi nghĩ, bản thân mỗi bệnh viện cũng mong muốn đưa bác sĩ của đơn vị đi, nhằm khẳng định với người dân rằng bệnh viện rất thân thiện với cộng đồng, với người nghèo. Những trường hợp như quát tháo, hạch sách, nhũng nhiễu người bệnh nếu có chỉ là một bộ phận nhỏ, “con sâu làm rầu nồi canh”.
- Khi nói đến hoạt động phong trào của người trẻ nói chung, người ta thường hay nghĩ đến “bệnh” hình thức. Liệu các hoạt động của Hội có mắc phải “căn bệnh” này?
- Mỗi hoạt động tình nguyện chúng tôi đều cố gắng tổ chức thật sâu sát và ý nghĩa. Trước khi thực hiện chúng tôi đều tổ chức khảo sát địa bàn, liên hệ với địa phương, thăm dò nhu cầu thực tế của người dân… từ đó huy động các nhóm tình nguyện theo từng chuyên khoa, vừa có thể phục vụ tốt cho người dân, vừa giúp cho các thầy thuốc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để họ phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
- Có phải vì vậy mà hoạt động của Hội ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia?
- Khi công tác tổ chức tốt, việc làm có ý nghĩa thiết thực thì sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa. Có nghĩa là tính thiết thực phải đặt lên hàng đầu. Tham gia hoạt động tình nguyện, các thầy thuốc trẻ được thăm, khám bệnh, chữa trị, tư vấn, hướng dẫn cách phòng bệnh… cho những người dân còn thiếu thốn đủ đường, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Mọi người đều cảm thấy tự hào khi đã làm được những việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội.
- Hiện mọi bệnh viện đều đang trong tình trạng quá tải. Liệu có là mâu thuẫn khi lãnh đạo các bệnh viện lại ủng hộ những thầy thuốc trẻ tham gia hoạt động tình nguyện?
- Tôi nghĩ y đức của người thầy thuốc phải được thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể. Những chuyến đi tình nguyện cũng là dịp để giáo dục các bác sĩ, y sĩ và những người trong nghề về vấn đề y đức.
- Phải chăng chúng ta tổ chức khám chữa bệnh tình nguyện nay ở nơi này, mai ở nơi khác; có khi những người nghèo ở các địa phương cả đời chỉ may mắn một lần được tiếp cận với các thầy thuốc tình nguyện?
- Sau một đợt thăm khám, chúng tôi tiến hành tổng hợp lại mô hình của từng địa phương đó, phân tích những bệnh nổi bật và lấy đó là dữ liệu để so sánh với các lần khám sau. Đặc biệt, sau khi tổng hợp, phân tích nguy cơ, chúng tôi đưa ra những cảnh báo với người dân cách phòng ngừa từng loại bệnh bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn môi trường… Vấn đề này rất quan trọng với bà con khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Họ cần thay đổi nhận thức và hành vi trong phòng ngừa bệnh tật, nhưng vấn đề là phải có người truyền đạt cho họ cách thức, phương pháp, kỹ năng…
Cơ hội để những người trẻ cống hiến
- Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) có phải là sáng kiến của Hội đề xuất?
- Những năm qua, một bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học y khoa chưa được sử dụng tốt, làm việc trái với nghề đào tạo hoặc chưa tìm được việc làm và có xu hướng ở lại các thành phố, thị xã. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, lại rất thiếu bác sĩ. Để ổn định nguồn nhân lực phục vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, tiến tới mọi người dân được bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ y tế thuận tiện và có chất lượng, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã cùng với Bộ Y tế xây dựng dự án này nhằm thu hút bác sĩ trẻ mới ra trường về công tác tại các địa phương còn khó khăn.
- Hiệu ứng xã hội và sự đồng tình của sinh viên trong dự án này thế nào, thưa anh?
- Dự án đang có hiệu ứng rất tốt, thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên ngành y. Tham gia vào các dự án này điều kiện bắt buộc là sinh viên phải có học lực khá, giỏi, sau đó ra trường sẽ được tiếp nhận về công tác tại các bệnh viện tuyến trung ương và được đi đào tạo, bồi dưỡng thêm nghiệp vụ trước khi đưa về làm việc tại các địa phương khó khăn trong một khoảng thời gian nhất định. Nói chung là “đầu ra” của các sinh viên tham gia dự án sẽ được các bệnh viện tuyến trung ương đảm nhận.
- Dự án có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?
- Hiện chúng tôi đang tập trung giải quyết một số vấn đề để sinh viên có thể yên tâm tham gia dự án như làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội xin giãn nợ cho những sinh viên đang vay tiền ngân hàng đi học; đề xuất với các địa phương nơi bác sĩ trẻ đến công tác về phương án bố trí nhà công vụ; nơi vui chơi giải trí... Hội cũng đang cố gắng từ nguồn xã hội hóa để dự án “chạy” tốt vào năm 2016 với 419 bác sĩ trẻ về 62 huyện nghèo. Hội cũng mong các cơ quan báo chí cùng vào cuộc tuyên truyền về dự án.
- Hoạt động của Hội đều từ nguồn xã hội hóa, trong khi hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vậy Hội kêu gọi tài trợ như thế nào?
- Theo tôi điều quan trọng nhất là phải bảo đảm sự tin cậy đối với các nhà tài trợ. Muốn vậy mọi chuyện đều phải được công khai, minh bạch.
- Bản thân các bác sĩ có đồng hành kêu gọi xã hội hóa với tổ chức Hội không, thưa anh?
- Thực tế có rất nhiều nhóm thầy thuốc trẻ tự nguyện quyên góp để tổ chức đi khám chữa bệnh tình nguyện. Ví dụ như Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội sang nước bạn Lào hay nhóm bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)…
- Kinh phí tổ chức cho mỗi đợt khám tình nguyện như vậy có tốn kém không?
- Số này không cố định, tùy lượng người được khám và cơ số thuốc tương ứng. Tuy nhiên, sự kiện lớn như năm 2011, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hành trình 14 ngày, khám cho 68.000 người dân với chi phí khoảng 5-6 tỷ đồng. Ngoài ra, hội thầy thuốc các tỉnh còn vận động Hội Doanh nhân trẻ hỗ trợ cho hoạt động tại địa phương. Bản thân người đi vận động cũng phải có uy tín, tâm huyết với phong trào xã hội, từ thiện. Khi có lòng tin thì dễ gây dựng mối quan hệ và việc thực hiện xã hội hóa cũng tốt hơn.
- Trong năm nay, Hội có tổ chức hoạt động nào lớn, có sức lan tỏa rộng như vậy không?
- Chúng tôi đang chuẩn bị ngày 19-5 tới sẽ tổ chức Ngày hội “Nhân ái vì sức khỏe cộng đồng”. Đồng loạt 63 tỉnh, thành phố sẽ tổ chức khám bệnh miễn phí cho người dân, dự kiến là khoảng 70.000 người; mổ mắt miễn phí cho 2.000 ca; khám sàng lọc ung thư 1.000 người ở 62 huyện nghèo. Ngoài ra, Hội cũng tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện, tập huấn sơ cấp cứu cơ bản cho giáo viên mầm non… Chương trình sẽ làm điểm cấp trung ương ở Nghệ An và lan tỏa khắp trong cả nước. Ngày 19-5 tới sẽ là ngày y, bác sĩ trẻ cả nước lên đường tình nguyện vì cộng đồng.
- Cảm ơn anh về những vấn đề đã trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.