(HNMCT) - Đối với bất kỳ một bộ môn thể thao nào, hệ thống quy chế, quy định thực sự là xương sống cho sự vận hành, phát triển của bộ môn đó. Quy chế, quy định đó được xây dựng dựa trên đặc điểm, tình hình cụ thể của quốc gia, nhưng không đi ngược lại tinh thần quy định của các liên đoàn thể thao thế giới liên quan. Nhìn chung, hệ thống quy định đó thường liên quan đến nhiều vấn đề, như tổ chức giải đấu ở nhiều cấp độ; chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên; công tác đào tạo trẻ...
Ở các quốc gia có nền thể thao mạnh, rõ tính chuyên nghiệp, hệ thống quy định, quy chế là không thể thiếu; chúng được xây dựng một cách mạch lạc, bài bản, khoa học, có tính dự báo cao và thường xuyên được xem xét bổ sung theo thực tế đời sống thể thao. Nói chung, khi đã có trong tay bộ khung pháp lý khá hoàn chỉnh, đời sống thể thao tất yếu phát triển theo hướng lành mạnh, không thường xuyên xuất hiện những vụ bê bối bởi một khi điều đó xảy ra, những người liên quan tới hành vi vi phạm quy chế, điều lệ, quy định khó có khả năng trốn “tội”, thậm chí có khi còn mất cơ hội hành nghề.
Xét về tầm quan trọng của hệ thống quy định, quy chế đối với đời sống thể thao, vụ lùm xùm về chuyển nhượng liên quan tới huấn luyện viên Kim Huệ và 3 vận động viên thuộc đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương Việt Nam rõ ràng mang ý nghĩa cảnh tỉnh. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đưa ra án phạt nhưng nhiều người không phục, đó là bởi căn cứ pháp lý để “xử” vụ này không vững.
Nhìn vào đây, có lẽ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ là bên phải “giật mình” đầu tiên, bởi hơn bất kỳ một môn thể thao nào khác, đời sống bóng đá trong nước suốt nhiều năm qua không thiếu những vụ việc “khó xử” liên quan tới chuyển nhượng ngoại binh, quyền và nghĩa vụ của “cò” chuyển nhượng cầu thủ, xử lý kỷ luật với hành vi phi thể thao... Quy định điều chỉnh hành vi trong lĩnh vực bóng đá không phải là không có, nhưng chưa thể hiện đầy đủ tính bao quát, với một số hành vi vi phạm thì chưa phải là chỉ dẫn thực sự tin cậy.
Thể thao Việt Nam nói chung đang ngày một “chuyên nghiệp hóa”, mọi sự cần được định hướng, phân xử một cách rạch ròi. Bởi vậy, đừng quên “chuyên nghiệp hóa” công tác xây dựng luật, quy chế, quy định - xương sống của đời sống thể thao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.