(HNM) - Chiếc U-oát cứu thương bò qua cầu treo Hà Linh, đưa chúng tôi tới xã Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh). Nhìn mưa lất phất giăng mờ trên sông Ngàn Sâu nước vẫn dềnh dàng màu đỏ đục, Đại úy Thạch Hữu Trung, cán bộ Ban Tuyên huấn (Phòng Chính trị, BCH Biên phòng tỉnh) nói: "Giờ thấy mưa lại lo đến thót tim".
Cũng dễ hiểu, bởi Hà Tĩnh vừa hứng chịu hai trận mưa lũ lịch sử, thiệt hại nặng nề; bản thân các anh mới trải qua hàng chục ngày gồng mình đối phó với lũ, giờ lại căng sức giúp dân khắc phục hậu quả...
Hà Linh, khắc khoải trong lũ
Từ Hà Nội, chúng tôi vào Hà Tĩnh đúng hôm Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức lễ xuất quân, đưa 100 cán bộ, chiến sỹ trẻ của Bộ Tư lệnh vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Vì thế, đến địa phận xã Hà Linh đã thấy thấp thoáng bóng lính "quân hàm xanh". BCH Biên phòng tỉnh đã triển khai 100 cán bộ chiến sỹ, phối hợp cùng các đoàn viên thanh niên của BTL Biên phòng giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
BĐBP đồn 575 phân phối gạo cứu trợ cho người dân bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê). |
Xe chạy đến đầu xóm 4 thì dừng. Các nhà báo dò dẫm lội bùn, dưới cái lạnh se sắt của gió Đông bắc đầu mùa và mưa bụi lất phất. Nằm kề sông Ngàn Sâu nên cả hai trận mưa lũ lịch sử đầu và giữa tháng 10 vừa qua, xã Hà Linh bị ngập sâu, thiệt hại nặng nề. Nước đã rút, nhưng không chỉ xóm này mà toàn xã, từ đồng ruộng, nhà cửa, vườn tược cho đến đường giao thông và các công trình công cộng vẫn ngập trong bùn.
Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Hà, nơi các chiến sỹ biên phòng đang giúp gia đình dọn nhà cửa. Chủ nhà mới 27 tuổi, gia cảnh khá éo le, vợ đi làm ăn xa, thành thử phải "gà trống nuôi con". Hà kể: "Khoảng 8h tối ngày 17-10, nước vào đến sân, em vội chèo thuyền mang con gái 4 tuổi đi gửi bà ngoại bên xã Hương Thủy, 11h đêm quay về, nước đã gần lút mái, chỉ còn 3 hàng ngói". Lương thực, quần áo, chăn màn, nồi niêu bát đĩa… bị trôi sạch, đáng giá nhất có chiếc ti vi cũ Hà gửi nhà anh trai, nhưng ngoài ấy cũng ngập (dù không nặng bằng xóm này) nên ti vi cũng bị hỏng.
Theo Đại úy Võ Văn Minh, Trợ lý Thanh niên (BCH Biên phòng tỉnh), 60 đoàn viên của BTL và 40 cán bộ, chiến sỹ của Biên phòng tỉnh đến giúp người dân ở xóm 3, xóm 4 xã Hà Linh. Công việc chính là nạo vét bùn đất, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp trường học, trạm y tế, khôi phục giao thông, xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ, cấp thuốc, khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Về tình hình chung, Trưởng thôn Nguyễn Văn Thuyến cho biết: Thôn có 80 hộ thì ngập 100%, nhưng may không thiệt hại về người. Hôm lũ về, một nửa thôn vào trú ở nhà thờ, còn lại trú tại trường tiểu học. Hiện đã có nhiều đoàn vào cứu trợ giúp dân khắc phục khó khăn, trung bình mỗi hộ được khoảng 20kg gạo và ít mì tôm. Quần áo tạm đủ, nhưng chăn màn hầu như chưa có, mà mùa đông bắt đầu tới rồi. Toàn xã có 1.100 hộ bị lụt, thiệt hại chưa thống kê hết…
"Đúng là bộ đội của dân"
Trụ sở UBND xã Hòa Hải sáng hôm ấy đông chật người dân từ các thôn xóm đến chờ nhận hàng cứu trợ. Chúng tôi cũng gặp khá nhiều "quân hàm xanh", không chỉ cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 569 đang phối hợp với chính quyền xã chia hàng cứu trợ tới người dân, mà còn có cả cán bộ quân y thuộc Bệnh xá Biên phòng tỉnh cũng đang khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân.
BĐBP đồn 567 giúp nhân dân xã Đức Giang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) khai thông hệ thống thủy lợi, chuẩn bị cho vụ Đông Xuân. |
Hòa Hải là xã vùng cao biên giới của huyện miền núi Hương Khê, cũng là một trong những “rốn lũ” ở Hà Tĩnh trong hai trận lụt vừa qua. Bí thư Đảng ủy Hồ Thị Huyền "báo cáo nhanh": "Xã có 1.634 hộ, 7.328 khẩu, tập trung ở 21 thôn. Diện tích tự nhiên gần 16 nghìn héc ta, chủ yếu là đồi núi. Diện tích trồng lúa ít…". Đợt lụt thứ nhất, Hòa Hải thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng, thế nhưng đợt lụt thứ hai, Hòa Hải có tới 1.456 hộ bị ngập, bị thương 14 người, ngoài nhà cửa còn nhiều công trình cầu cống, trường trạm bị hỏng nặng, thiệt hại lên đến 58,8 tỷ đồng. Đó là những con số khủng khiếp đối với một xã miền núi biên giới, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, có 13% hộ nghèo (ấy là áp dụng tiêu chí cũ: thu nhập dưới 200.000 đồng/người/tháng, còn nếu theo tiêu chí mới 400.000 đồng/người/tháng nhưng các địa phương ở Hà Tĩnh chưa triển khai vì chưa có hướng dẫn của tỉnh thì không biết sẽ là bao nhiêu?!).
Thiếu tá Hoàng Trọng Hùng, Chính trị viên Phó Đồn 569 cho biết: "Xã Hòa Hải thuộc địa bàn do Đồn Biên phòng 569 quản lý. Ngay từ ngày 16, khi trời bắt đầu mưa to, nước tràn vào xã, BCH đồn đã cử cán bộ, chiến sỹ cùng lãnh đạo xã vận động người dân sơ tán đến nơi an toàn. Trong mưa lũ đã xuất hiện những tấm gương dũng cảm quên mình cứu dân như Thiếu tá, Phó đồn trưởng quân sự Nguyễn Văn Sâm. Tổ công tác do Thiếu tá Sâm chỉ huy đã bám địa bàn, cùng lãnh đạo địa phương vận động di dời dân, mặc dù đồn không có phương tiện nhưng đã huy động 4 thuyền gỗ của dân, sơ tán 75 hộ ra khỏi khu vực đập Khe Nậy, 15 hộ ra khỏi khu vực Đập Trâm (đang có nguy cơ vỡ đập). Cán bộ, chiến sỹ biên phòng bám trụ 24/24h, không quản ngại mưa lũ, bất kể ngày đêm chèo thuyền đi cứu tài sản của dân, chuyển hàng cứu trợ kịp thời, không để nhân dân bị đói khát, rét mướt… Tối ngày 16-10, Thiếu úy Phan Thanh Toàn cùng một số cán bộ xã đi kiểm tra địa bàn thì nghe tiếng kêu cứu, đã chèo thuyền vào tận nơi, cứu được 12 người dân của thôn 11 và thôn 12 (khu vực ngập lụt nặng nhất) đưa đến nơi an toàn.
Kể lại với các nhà báo, Bí thư Đảng ủy xã cứ tấm tắc: "Đúng là bộ đội của dân. Không chỉ trong mưa lũ mà ngay khi nước vừa rút, bộ đội biên phòng đã lập tức có mặt, giúp địa phương khắc phục hậu quả...". Bà Huyền còn kể một danh sách dài các đơn vị quân đội, trong đó có lực lượng biên phòng đã tham gia cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ ở Hòa Hải, tất nhiên không quên nhấn mạnh đến sự đóng góp tận tình của cán bộ, chiến sỹ Đồn 569…
Lũ rút, còn đó nỗi lo
Chúng tôi rời trụ sở UBND xã Hòa Hải để vào Đồn 569. Chỉ ngồi ô tô được một quãng thì đoàn phải để xe lại do đập tràn bị lũ cuốn trôi, đi bộ rồi ngồi thuyền qua Rào Nủ, một nhánh của sông Ngàn Sâu, nước mênh mông, mấp mé mạn thuyền.
Trung tá Phan Trọng Nhân, Chính trị viên Đồn 569 cho biết: Đồn mới thành lập tháng 2-2009. Tuy chỉ quản lý 6,7km đường biên giới thuộc địa bàn xã Hòa Hải, nhưng đồn cách biên giới khoảng 25km, địa hình dốc, phức tạp, đi tuần tra cũng mất cả tuần lễ…". Tiếng là xã vùng cao biên giới nhưng Hòa Hải có nhiều diện tích trũng, lại nằm bên sông Ngàn Sâu nên hầu như năm nào cũng dính lũ. Hằng năm, đồn đều lập kế hoạch, triển khai diễn tập phòng tránh mưa lũ, cứu hộ cứu nạn, tham mưu giúp địa phương lên phương án phòng tránh mưa lũ. Trận lũ vừa qua, đường bộ vào đồn bị sạt lở, sông Rào Nủ nước chảy rất xiết, thuyền bè qua lại khó khăn nên đồn bị cô lập. Tuy nhiên, nhờ sớm triển khai lực lượng bám trụ địa bàn nên anh em đã hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản cho dân...
Tối đó, các khách sạn, nhà nghỉ ở thị trấn Hương Khê gần như không còn phòng trống. Trong mưa, rét, nhìn dòng chữ "Xe chở hàng cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt" giăng trên xe con, xe ca, xe tải biển số trong Nam ngoài Bắc đỗ chật sân nhà nghỉ mà thấy ấm lòng, lại nhớ chuyện tương tự ở BCH Biên phòng tỉnh. Sau lũ, BCH Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh lại trở thành nơi chắp nối, thu hút lòng hảo tâm, chia sẻ của đồng bào cả nước hướng về người dân vùng lũ…
Trong hai đợt lũ vừa qua, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh là một trụ cột trong công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Cán bộ, chiến sỹ các đồn 567, 569, 571, 575, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Rào Tre, Đồn 160, Đồn 164 Cửa Sót, Đồn Biên phòng Cảng Vũng Áng, Hải đội 2… đã sát cánh cùng chính quyền địa phương, các lực lượng công an, quân đội tham gia cứu hộ cứu nạn, cứu trợ cho người dân. Hải đội 2 (Biên phòng Hà Tĩnh) đã huy động tàu thuyền đưa hàng chục nghìn người dân các xã thuộc huyện Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên đến nơi an toàn; tham gia tìm kiếm, trực tiếp trục vớt thành công chiếc xe khách và các thi thể nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi ở địa bàn xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân). Đồn 164 đã kịp thời ứng cứu nhiều tàu thuyền của ngư dân gặp nạn trong mưa lũ, phối hợp tham gia khắc phục đê chắn sóng tại xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà). Đáng nói là có 242 cán bộ, chiến sỹ biên phòng Hà Tĩnh có gia đình bị ngập trong vùng lũ, trong đó có 94 nhà bị thiệt hại nặng, song tất cả đều không rời vị trí, bám trụ cùng đơn vị đến khi nước rút mới tranh thủ về thăm nhà. Và ngay sau khi bão tan, nước rút, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã xuống các địa bàn, giúp đồng bào khắc phục hậu quả…
Lúc chia tay các nhà báo, lãnh đạo Đồn Biên phòng 569 nói: "Phải chi chúng tôi có một chiếc thuyền". Lời than thở đó tương tự câu chuyện chúng tôi đã nghe tại BCH Biên phòng tỉnh: Tàu biên phòng có công suất nhỏ, trong khi sóng to, gió lớn, nhưng ngư dân ngoài biển đang kêu cứu, người nhà đứng trên bờ gào khóc, lẽ nào lại không ra cứu; song nếu ra lúc đó thì khó bảo đảm an toàn. Rồi còn chuyện BCH Biên phòng tỉnh chỉ có một chiếc xe tải, trong khi bão lũ rất khó thuê phương tiện ngoài… Đại tá Nguyễn Trọng Thường, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh vẫn đau đáu: "Không sợ cán bộ, chiến sỹ thiếu ý chí quyết tâm, chỉ sợ thiếu phương tiện"…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.