(HNM) - Chuyện đồng phục của học trò, đặc biệt những trường ở thành phố đã đi vào ổn định, mặc nhiên được xã hội công nhận: học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường, nam sinh áo trắng, quần sẫm màu; nữ sinh quần áo dài trắng (đối với HS THPT).
Tuy vậy, Bộ GD-ĐT lại chưa đưa việc mặc đồng phục đến trường vào quy chế. Những trường ở vùng sâu, vùng xa, kể cả nhiều trường ở ven đô, cha mẹ các cháu còn chạy ăn từng bữa, lo cho con ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường cùng chúng bạn đã cố gắng lắm rồi, lấy tiền đâu để may đồng phục...
Đằng sau những nụ cười rạng rỡ với bộ đồng phục mới là nỗi lo của nhiều phụ huynh học sinh. |
Được biết Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chưa có chủ trương buộc HS phải mặc đồng phục khi đi học. Tiền đóng may đồng phục không nằm trong danh mục các khoản thu quy định, vì vậy dưới danh nghĩa thu theo thỏa thuận với ban đại diện cha mẹ học sinh, mỗi trường thu một kiểu. Các trường đua nhau, THPT đồng phục, THCS đồng phục, đến các trường tiểu học cũng bắt HS mặc đồng phục. Tuổi các em còn nhỏ, chưa cần thiết phải may những bộ đồng phục quá đắt tiền. Nhiều gia đình còn chưa dư dả, các cháu cùng đi học thì thêm những khoản chi phí này vào đầu năm học sẽ làm cho nhiều gia đình khó khăn hơn. Anh T. có con học ở một trường tiểu học của quận Ba Đình phàn nàn: "Bộ đồng phục của con khoảng hai trăm nghìn đồng, nhưng chất vải bằng ni lông, không thấm mồ hôi nên khi mặc, cháu luôn thấy bức bí, khó chịu mà vẫn phải cho con mặc hằng ngày đến trường".
Thêm nữa, lớp học ở ta thường quá tải, nên sĩ số từ 45-50 HS/lớp, 2-3 em ngồi chung một bàn, chật chội, nóng nực. Các em nam còn đỡ khổ, nữ sinh mặc quần chùng, áo dài, mồ hôi ướt đẫm vai áo, gây khó khăn, thiếu tự tin khi cư xử. Bạn Nguyễn Mai Phương, HS Trường chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ: "Cứ vào năm học mới, chúng em lại phải may đồng phục áo dài, trường chỉ quy định mặc vào thứ hai đầu tuần có lễ chào cờ, sinh hoạt tập thể toàn trường nên cũng không khó thực hiện lắm. Tuy nhiên, có những lúc trời mưa hoặc nhà xa thì việc mặc áo dài sẽ rất bất tiện, nên chúng em chỉ mặc 1-2 tiết đầu, kiểm tra xong rồi lại thay bộ quần áo khác". Những năm học gần đây, ở một số trường tiểu học còn có tình trạng buộc HS mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần, dẫn đến việc học trò phải có 2-3 bộ để thay đổi. Không ít trường yêu cầu HS có cả bộ đồng phục thể thao để học trong tiết thể chất. Chưa hết, nhiều trường tiểu học còn "vẽ" ra quy định đồ dùng học tập cũng đồng phục: vở, bảng, bút, giấy kiểm tra, giấy kê tay…
Thiết nghĩ, các cấp, ngành có trách nhiệm cần kiểm tra, xem xét, liệu đằng sau chuyện đồng phục HS, có nhóm lợi ích nào chi phối những quy định mang nặng tính hình thức, vừa lãng phí, bất tiện, vừa làm khó cho cha mẹ học sinh. Bộ GD-ĐT cần có quy định cụ thể về việc mặc đồng phục của học trò. Đã là đồng phục nên chăng phải được thống nhất, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, không nên để các trường tùy nghi, biến tướng, vô hình trung "bật đèn xanh" cho mặt trái của cơ chế thị trường làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sư phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.