(HNM) - Hà Nội vừa tròn 1000 năm tuổi kể từ ngày Đức Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nơi hội tụ của tinh hoa đất trời. Đất kinh kỳ sầm uất, thuận tiện cho giao thương, đủ cả bức tranh trên bến dưới thuyền tấp nập bán buôn, trung chuyển những sản vật từ biển lên, từ rừng xuống đã tạo nên một Thăng Long - Kẻ Chợ qua nhiều thế hệ. Người xưa dạy, muốn biết sức sống của một địa phương thì hãy ra chợ...
Chợ Cửa Nam được xây mới. Ảnh: Bá Hoạt
Cùng với đà phát triển KT-XH, những năm qua, hoạt động dịch vụ, thương mại của Hà Nội tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là sự hình thành và phát triển theo hướng đồng bộ và hiện đại của mạng lưới hạ tầng thương mại (HTTM) gồm chợ, siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) mang tầm vóc của một đầu mối giao thương lớn nhất phía Bắc.
Theo đánh giá của Sở Công thương, mạng lưới TTTM, siêu thị ở Hà Nội chưa được phân bố hợp lý cả về số lượng, quy mô để phù hợp với mật độ dân số cũng như phạm vi phục vụ. Nguyên nhân là do mức phát triển, điều kiện kinh tế, sức mua của người dân từng quận, huyện và khu vực cụ thể rất khác nhau. Mặt khác, cơ hội tìm kiếm mặt bằng để xây dựng - kinh doanh HTTM đối với các chủ đầu tư cũng khác nhau nên mật độ HTTM không thể đều được.
Xuất phát từ thực tế và yêu cầu phát triển đồng bộ, hiện đại mạng lưới HTTM từ nay đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, thành phố đang hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới HTTM. Đối với chợ thuộc khu vực thành thị, sẽ hạn chế xây dựng cơ sở mới, lựa chọn trong số chợ cũ để nâng cấp, chuyển đổi một số theo hướng có quy mô lớn hơn, với chức năng của siêu thị, trung tâm mua sắm gắn với chức năng bán lẻ thực phẩm tươi sống. Tiêu chí của các cơ sở này là khang trang, hiện đại, phù hợp với quần thể kiến trúc xung quanh, có tính đến khả năng kết hợp cùng với các siêu thị, cửa hàng tổng hợp, đường phố xung quanh để hình thành khu thương mại trung tâm. Nâng cấp, cải tạo các điểm buôn bán sẵn có, chuyển đổi thành chợ dân sinh bán lẻ nông sản, thực phẩm hạng hai ở các phường, liên phường; từng bước chuyển hóa chợ dân sinh loại nhỏ thành siêu thị hạng ba, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện ích. Di dời các chợ bán buôn nông sản ra ngoại thành để xây mới chợ bán buôn quy mô lớn. Vốn thực hiện các dự án chủ yếu là vốn của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cá nhân và hộ kinh doanh theo hướng xã hội hóa. Thực tế cho thấy, đã có những dự án triển khai theo mô hình này thành công, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và nhà đầu tư như các TTTM - chợ: Hàng Da, Cửa Nam và sắp tới là chợ Mơ, là những công trình đẹp, có chức năng tổng hợp, tạo nên cảnh quan đô thị mới.
Đối với khu vực nông thôn, định hướng chung là tập trung cải tạo, di dời, xây mới để bảo đảm có đủ chợ dân sinh quy mô hạng ba; nỗ lực để mỗi xã có ít nhất một chợ. Cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới chợ ở thị trấn, thị tứ, có quy mô đạt hạng một, hai trở thành chợ trung tâm huyện. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, tổng đại lý ở khu vực thành thị phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, đại lý mua bán hàng hóa… ở các chợ nông thôn. Vốn đầu tư huy động từ nguồn ngân sách, các chương trình, dự án phát triển KT-XH và hộ kinh doanh góp vốn.
Hướng phát triển mạng lưới đại siêu thị và siêu thị sẽ được tiến hành theo khu vực. Vùng đô thị trung tâm Hà Nội sẽ được đầu tư nâng cấp các siêu thị hiện có, đồng thời xây dựng mới đại siêu thị và siêu thị hạng hai, ba tại các khu vực chợ cũ có diện tích đất chợ lớn hơn 3.000m2, trên các phố thương mại, tận dụng mặt bằng sau khi di dời cơ quan hành chính, cơ sở sản xuất, ở các khu chung cư được cải tạo mới. Tại trung tâm đô thị mới thuộc quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, huyện Từ Liêm, Hoài Đức và Đan Phượng sẽ xây dựng một số đại siêu thị và siêu thị hạng một, hai. Ở ngoại thành, thành phố chủ trương xây dựng mới những siêu thị hạng một và hai tùy thuộc số lượng cư dân như thị trấn Trâu Quỳ, Khu công nghiệp Long Biên, thị trấn Yên Viên, dọc hành lang quốc lộ I, Khu đô thị mới Vân Trì, thị trấn Đông Anh, hành lang dọc quốc lộ 2 và quốc lộ 18, thị trấn Sóc Sơn, Khu công nghiệp Sóc Sơn, khu đô thị Hòa Lạc...
Hà Nội xây dựng mới TTTM quốc tế theo định hướng phát triển không gian đô thị của Vùng Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, TTTM - tài chính cấp quốc gia và vùng sẽ được bố trí ở phía tây nam Hà Nội, trung tâm bắc Sông Hồng và tại trung tâm khu đô thị phía đông Sông Hồng. Xuất phát từ chức năng của TTTM quốc tế, định hướng lựa chọn vị trí xây dựng ở phía tây nam Hà Nội gắn liền với trung tâm hội chợ, triển lãm quốc tế của Thủ đô. Về lâu dài, TTTM quốc tế sẽ đáp ứng tiêu chí hiện đại, đa chức năng, đầy đủ dịch vụ ngang tầm với TTTM ở thủ đô các nước khu vực và thế giới. Hà Nội cũng nghiên cứu việc tiến hành xây mới các TTTM cấp vùng tại quận Long Biên phục vụ cho giao thương giữa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Hà Nội hiện có hơn 400 chợ, trong đó có 24 chợ hạng một, 52 chợ hạng hai và 297 chợ hạng ba. Các quận có 103 chợ, thị xã có 11 chợ, các huyện có gần 300 chợ. Hà Nội hiện có 12 TTTM, 74 siêu thị, phần lớn đều ra đời trong vòng 10 năm qua, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.