(HNM) - Bốn năm kể từ ngày bắt đầu thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, không lùi bước trước khó khăn, thử thách. Những chuyển biến về mọi mặt thời gian qua là cơ sở để tin tưởng rằng, Hà Nội sẽ còn tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng với sự kỳ vọng của người dân cả nước.
Hà Nội sẽ được quy hoạch theo mô hình chùm đô thị, phát triển bền vững trong tương lai. Ảnh: Xuân Chính |
Từ ngày 1-8-2008 đến nay, gian nan nổi bật nhất mà Hà Nội phải đối phó có lẽ là khủng hoảng kinh tế kéo dài chưa giảm "nhiệt". Bước sang năm 2012, khó khăn thậm chí còn nhiều hơn so với dự báo. Nếu ví kinh tế Hà Nội như một con tàu, thì việc di chuyển của nó rất nặng nhọc. Thậm chí có những phần quan trọng của con tàu ấy như nông - lâm - thủy sản có thời điểm còn ở mức tăng trưởng âm (quý I-2012 tăng trưởng âm 2,9%, làm giảm 0,1% mức tăng chung). Thế nhưng, giống như 4 năm qua, Hà Nội vẫn cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ. Ngoại trừ giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm suy giảm, các ngành, lĩnh vực khác đã vượt lên giúp tăng trưởng chung của quý II đạt 7,9%, cao hơn quý I (7,3%). Đây là cơ sở để TP tiếp tục xác định mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 là 10-10,5%..
Phải khẳng định rằng, từ thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, dù trong hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn giữ được "phong độ" với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước. TP đảm đương rất tốt vai trò là một trong hai "đầu tàu" của nền kinh tế đất nước.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, TP không lùi bước trước những vấn đề nhức nhối, phức tạp đã và đang đặt ra. Thậm chí, nhiều vấn đề khó, nhiều "điểm nóng" phức tạp đã được giải quyết hiệu quả, đem lại chuyển biến tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân. Trước hết phải kể đến ùn tắc giao thông. Cho dù đôi lúc vẫn diễn ra ùn ứ giao thông, nhưng không thể phủ nhận những gì mà TP đã làm được. Mới nhất là hai cây cầu vượt nhẹ tại nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà và Tây Sơn - Chùa Bộc đã góp phần giảm đáng kể ùn tắc. Trước đó, TP đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng mức phạt khu vực nội đô, thay đổi giờ học, giờ làm, lắp các cầu vượt cho người đi bộ, phân làn giao thông… Tổng hợp nhiều giải pháp đã bước đầu đem lại những chuyển biến tích cực về giao thông đô thị. Đó là chưa kể, TP đã xây dựng hàng chục kilômét đường mới, trong đó có không ít dự án bế tắc từ nhiều năm qua đã được tháo gỡ như nút giao thông Thanh Xuân, đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên)… Hàng chục công trình hạ tầng giao thông đang triển khai cũng rất đáng để kỳ vọng. Đó còn là việc TP luôn làm hết sức mình để bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nhiều vụ án phức tạp gây chấn động được khám phá kịp thời, các vụ tranh chấp đất đai gây mất an ninh trật tự… đều được giải quyết, ổn định tình hình. Với thế trận an ninh nhân dân cùng sự đoàn kết chặt chẽ của Đảng bộ, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, Hà Nội vẫn luôn luôn xứng đáng là "Thành phố vì hòa bình", an toàn và bình yên.
Nông dân huyện Mỹ Đức phấn khởi được mùa lúa. Ảnh: Trung Kiên |
Sự vươn lên không ngừng và khẳng định bản lĩnh của Thủ đô Hà Nội trong suốt 4 năm qua còn thể hiện ở sự quan tâm, chăm lo đời sống dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội. Tiêu biểu là sự chăm lo cho việc học tập của trẻ em. Có lẽ không ở đâu số trường mầm non công lập gia tăng nhanh như ở Hà Nội. Hiện nay, số trẻ trong độ tuổi được học trong các trường công lập của TP chiếm trên 85%. Thủ đô xác định tiếp tục phấn đấu để mỗi phường, xã có trên một trường mầm non công lập. Xu hướng hiện nay là tăng học phí, nhưng sự điều chỉnh học phí tại kỳ họp HĐND TP đầu tháng 7 vừa qua chủ yếu lại là giảm. Ấn tượng nhất phải kể đến sự quan tâm chăm sóc các đối tượng nghèo, khó khăn. Trong 4 năm qua, trung bình mỗi năm, Hà Nội có trên 2 vạn hộ thoát nghèo. Một trong những thành quả rất đáng nói nữa là TP đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ trên 3.700 hộ dân sửa chữa, xây mới nhà ở, không còn hộ dân nào phải sống trong cảnh nhà ở dột nát, nguy hiểm. Chuyển biến rõ nhất phải kể đến những khu vực được hợp nhất về với Hà Nội như Hà Tây cũ, huyện Mê Linh và 4 xã trước thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), đặc biệt là các xã nghèo ở những khu vực này. Hình ảnh dễ thấy nhất về sự "thay da đổi thịt" ở các vùng quê này là về giao thông và thủy lợi. Ở Mê Linh, ngoài con đường 100m được coi là xương sống của huyện, hàng chục kilômét đường liên xã, liên thôn đã được đầu tư. Sự phát triển về giao thông nông thôn ở các huyện vùng xa như Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất mới thật sự ấn tượng. Nhiều người dân ở đây cho rằng, chỉ từ khi hợp nhất với Hà Nội, mức độ đầu tư và tốc độ đầu tư mới nhanh chóng và đem lại sự đổi thay nhanh đến như vậy.
Sau 4 năm hợp nhất còn bộn bề công việc. Nhưng khi chứng kiến những gì TP đã làm được để chăm lo cho sự phát triển của Thủ đô nói chung và đời sống của người dân nói riêng, chúng ta có thể tin tưởng rằng những tồn tại, vướng mắc đặt ra hiện nay sẽ được Đảng bộ, chính quyền các cấp TP quan tâm giải quyết có hiệu quả. Nhất là khi 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá cùng nhiều kế hoạch, đề án, dự án, công trình quan trọng khác đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai, đem lại những tín hiệu vui. Hà Nội 4 năm sau hợp nhất tiếp tục là TP của tương lai với nhiều điều hứa hẹn, chờ mong ở phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.