(HNM) - Ba năm chưa dài, nhưng với người dân các xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất) và Đông Xuân (Quốc Oai), đó là khoảng thời gian có biết bao thay đổi. Diện mạo nông thôn mới đang ngày càng hiển hiện trên mỗi xóm làng cho thấy sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây khi trở thành công dân Thủ đô.
Nông thôn Hà Nội đang “thay da đổi thịt”. Ảnh: Tiến Sính |
Bên lúa, bên hoa
Hồi tưởng lại sau ba năm trở thành công dân Thủ đô, trưởng thôn Dân Lập, xã Yên Bình (Thạch Thất) Nguyễn Đức Thọ tấm tắc trước những sự đổi thay nhanh chóng ở đất này. Dẫu điều kiện phát triển kinh tế ở thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, kinh tế trang trại, nhưng nhờ vào sự thay đổi nhận thức, tìm hướng đi tích cực, thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, hơn 1.000 nhân khẩu thôn Dân Lập đã có của ăn, của để, tích lũy làm giàu. Để minh chứng cho sự đổi thay, ông Thọ giới thiệu ngay những mảnh vườn dưới chân các quả đồi xanh bạt ngàn cây trái. Vào mùa trái chín, nơi đây rực rỡ sắc màu của bưởi Diễn, của vải, của chuối tiêu hồng, của xoài, của mít, màu sậm của nhãn, hồng xiêm, báo hiệu sự ấm no. Ngoài trồng lúa chất lượng cao, thế mạnh nữa của người dân thôn Dân Lập là nghề trồng hoa. Trưởng thôn Dân Lập cho biết: "Cả thôn có 35ha đất nông nghiệp thì có tới 32ha được quy hoạch chuyển sang trồng hoa. Có hộ gia đình như các ông Vũ Văn Tước, Bùi Thanh Vân còn thuê cả chuyên gia về hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa". Tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên nghề trồng hoa ở Dân Lập chẳng thua kém vùng hoa Mê Linh. Có những thửa ruộng trồng hoa hồng, sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 40-45 triệu đồng/sào, cao gấp 15 lần so với cấy lúa. Tham quan khu nhà lưới rộng cỡ gần một hécta chuẩn bị đưa hoa ly cao cấp vào trồng và 8ha hoa hồng đỏ rực, chúng tôi như thấy đời sống người dân nơi đây đang khá lên từng ngày.
Rời Yên Bình theo con đường 446 đến xã Yên Trung (Thạch Thất), đây là một trong bốn xã nghèo khi hợp nhất về Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp sau gần 3 năm trở lại là con đường tới xóm Sổ, xóm Lặt, thôn Hương, thôn Hội... khúc khuỷu gập ghềnh sỏi đá trước đây nay đã được mở rộng, kiên cố hóa. Các trường mầm non thôn Lặt, thôn Đồng Tơi, trường tiểu học, Trạm Y tế xã Yên Trung, Nhà văn hóa thôn Hương, thôn Lặt, thôn Hội... vững chãi khang trang. Dưới những rặng cây xanh rì, nhiều nếp nhà cao tầng mới xây, thay thế nhà sàn cũ kỹ... Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương phấn khởi cho biết, mấy năm qua, ngoài trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, đẩy mạnh sản xuất lương thực, được sự hỗ trợ của các sở, ngành và huyện Thạch Thất, người Yên Trung đang tích cực chuyển đổi cây trồng, trọng tâm là phát triển các vùng trồng hoa, cây ăn quả, rau sạch, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư... Xã khuyến khích người dân địa phương chú trọng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập nên diện mạo Yên Trung thay đổi khá nhanh...
Tạo sức bật mới
Tuyến đường 446, trục phát triển kinh tế quan trọng của bốn xã kết nối với đường Hồ Chí Minh đang gấp rút thi công. Một số dự án đường giao thông nông thôn, xây dựng trụ sở làm việc, công trình phúc lợi, dự án phát triển sản xuất đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ... Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, để tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội cho các xã mới sáp nhập, Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thất đã xác định hai khâu đột phá là tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời coi trọng công tác cán bộ. Việc quan tâm hàng đầu là xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Trong vòng ba năm, ngoài nguồn ngân sách thành phố trực tiếp đầu tư cho một số dự án lớn, huyện Thạch Thất cũng trích một phần ngân sách và tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư gần 390 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, hệ thống đài phát thanh bốn cấp ở cả ba xã. Về phát triển kinh tế, cùng với việc đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, mở các lớp tập huấn cho nông dân, Thạch Thất mạnh dạn đưa hoa trái vụ và rau an toàn vào sản xuất tại xã Yên Bình và Yên Trung. Bước đầu mô hình này đã đem lại hiệu quả, người dân hồ hởi tham gia. Cùng với đó là các chương trình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, trồng lúa hàng hóa... đang được các xã triển khai trên quy mô rộng. Kinh tế phát triển kéo theo các mặt văn hóa - xã hội nâng lên. Giáo dục, y tế khởi sắc. Hiện nay, đường giao thông xóm, ngõ đã được bê tông hóa khoảng 70% và đất không phụ công người, niềm vui của chính quyền và nhân dân trong vùng dường như nhân đôi khi tỷ lệ hộ nghèo ở cả ba xã này chỉ còn khoảng 8% (trước khi sáp nhập là trên 20%).
Tạm biệt Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Trung, Yên Bình ra về, lòng chúng tôi dào dạt niềm vui, bởi nơi đây không còn xa xôi, nghèo khó. Người dân trong vùng đang thi đua lao động sản xuất để thể hiện tấm lòng yêu Thủ đô và xứng đáng là công dân của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.