Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh việc tổ chức sự kiện lần này với hơn 500 doanh nghiệp hai nước tham gia chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp với thị trường Việt Nam và Campuchia.
Chiều 4-10 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng Hội đồng Phát triển Campuchia của Vương quốc Campuchia tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Campuchia năm 2019, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hunsen và đoàn đại biểu cấp cao.
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hunsen đồng chủ trì với khoảng 500 đại biểu đến từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương cùng đông đảo doanh nghiệp hai nước tham dự.
Bên lề hội nghị, có hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày, triển lãm, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ và hoạt động đầu tư, thương mại và mong muốn được hiện diện tại Campuchia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã năng động đầu tư, kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế xã hội ở mỗi nước.
Thủ tướng hoan nghênh việc tổ chức sự kiện lần này với hơn 500 doanh nghiệp hai nước tham gia chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp với thị trường Việt Nam và Campuchia.
Nhấn mạnh về những thành quả kinh tế xã hội mà Campuchia đã đạt được trong nhiều năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, Campuchia là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực và trên thế giới; sức mua của người dân Campuchia cũng ở mức rất cao với chỉ số tiêu dùng khoảng 4.300 USD/năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư của Campuchia theo hướng tích cực, hướng tới tạo thuận lợi thương mại, đầu tư cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể là nộp thuế trực tuyến, tra cứu thuế ô tô trên điện thoại thông minh...
Bên cạnh Campuchia, Việt Nam hiện cũng là một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất trên thế giới. Song song với việc duy trì được sức tăng trưởng nhanh nhưng vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, Việt Nam hiện là thị trường lớn với quy mô dân số đông, tầng lớp trung lưu hơn 15% và sức mua, tiêu dùng tương đương trên 7.000 USD/năm...
Theo đánh giá của các tổ chức thế giới, Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở và không gian thương mại sẽ còn tiếp tục mở rộng hơn, chủ động hơn với việc tiếp cận và hội nhập kinh tế quốc tế, với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương trên toàn cầu.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện theo những chuẩn mực quốc tế. Điều này cho thấy những nền tảng và triển vọng phát triển kinh tế đang được mở ra. Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng không ngừng được cải thiện và hoàn thiện theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Nhân hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nỗ lực, hoàn thiện các quy định pháp luật, hỗ trợ và phục vụ cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường sáng tạo, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các nhà đầu tư Campuchia đã đến với Việt Nam và yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đầu tư vào Campuchia có trách nhiệm, bền vững và đóng góp nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho đất nước Campuchia. Mỗi doanh nghiệp cần trở thành một đại sứ về hợp tác, đem lại nhiều lợi ích, uy tín cho mỗi quốc gia.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, những kết quả tốt đẹp trong mối quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Campuchia trong những năm vừa qua.
Tính đến tháng 9-2019, Việt Nam đã có 178 dự án đang được đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đăng ký khoảng 2,8 tỷ USD. Campuchia đứng thứ ba trong số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Riêng trong 9 tháng của năm 2019, vốn đầu tư vào Campuchia của Việt Nam đã đạt khoảng 50,4 triệu USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông-công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến - chế tạo...
Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, lâu dài và có hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của Campuchia thông qua việc nộp ngân sách nhà nước, góp phần ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động và cải thiện, phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, ở chiều ngược lại, tính đến thời điểm này Campuchia cũng có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 63,7 triệu USD. Đầu tư của Campuchia tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, kinh doanh thương mại, vận tải kho bãi, công nghệ chế biến chế tạo... Riêng 9 tháng của năm 2019, vốn đầu tư của Campuchia vào Việt Nam đạt 3,2 triệu USD.
Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia được duy trì ở mức tăng cao liên tục trong những năm gần đây. Nếu năm 2018, kim ngạch thương mại đạt 4,7 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ thì riêng trong 8 tháng của năm 2019 cũng đạt 3,54 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2018.
Với đà tăng trưởng như hiện nay, nhiều khả năng, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam-Campuchia sẽ sớm đạt 5 tỷ USD trước năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhận định, còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc về đầu tư giữa hai nước khiến cho kết quả và thực tiễn khai thác tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam và Campuchia chưa thực sự tương xứng và đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của lãnh đạo hai quốc gia.
Cụ thể như, lượng vốn đầu tư đang có xu hướng giảm dần trong 3 năm gần đây. Năm 2016 đạt 59 triệu USD thì sang năm 2017 giảm còn 56,5 triệu USD, sang năm 2018 chỉ còn 38,2 triệu USD. Hợp tác trong lĩnh vực khảo sát, thăm dò khoáng sản, thủy điện đạt hiệu quả thấp... Giá một số mặt hàng nông, lâm nghiệp cũng giảm mạnh trên thị trường đã ảnh hưởng không thuận lợi đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của một số dự án đầu tư.
Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư-thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian tới, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp về cơ chế chính sách nhằm khai thông những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng...
Đại diện phía Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techno Hunsen hoan nghênh và ghi nhận việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam-Campuchia.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư vào Campuchia trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, vận tải và logistics, xây dựng, vật liệu xây dựng, giáo dục và đào tạo kỹ thuật nghề nghiệp... những lĩnh vực tiềm năng và Campuchia đang có nhiều nhu cầu.
Thủ tướng Samdech Techno Hunsen cho biết, Chính phủ Campuchia đang nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cơ chế đối thoại Chính phủ và doanh nghiệp, cắt giảm các chi phí kinh doanh và xây dựng dự thảo luật mới về đầu tư và đặc khu kinh tế.
Thủ tướng Samdech Techno Hunsen đánh giá cao việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, nhờ đó không chỉ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên của khu vực này mà còn mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp cho những nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á; trong đó có Campuchia, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Liên quan tới các vấn đề hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia, Thủ tướng Samdech Techno Hunsen bảy tỏ nhiều mối quan tâm về hoạt động trao đổi thương mại và giao thông vận tải. Nhiều năm qua, vấn đề qua lại của các phương tiện cơ giới, vận tải hàng hóa luôn gặp nhiều ách tắc, nhất là ở khu vực giáp biên hoặc tại hành lang kinh tế nối liền giữa hai quốc gia. Điều này là nguyên nhân làm chậm hoạt động đầu tư và trao đổi thương mại giữa các doanh nghiệp hai nước.
Vì lẽ đó, Chính phủ Campuchia đang nghiên cứu nhiều giải pháp nhắm thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng và tăng cường kết nối bằng đường cao tốc tại hành lang kinh tế phía Nam ở khu vực Mekong mở rộng...
Nhân dịp này, Thủ tướng Campuchia cho hay, trong khuôn khổ hợp tác đầu tư thương mại giữa hai quốc gia, lãnh đạo hai nước đã ký kết thêm 3 biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng thương mại dọc biên giới; về tiến độ xây dựng và kế hoạch bàn giao chợ kiểu mẫu Campuchia, về thúc đẩy hợp tác thương mại song phương...
Những văn bản này sẽ mang lại thêm nhiều lợi ích và quy định rõ các cơ chế để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hai nước; qua đó, tăng cường thu hút đầu tư vào Campuchia và ngược lại.
Cũng tại hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng Phát triển Campuchia của Vương quốc Campuchia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.