(HNM) - Ngày 9-4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Báo Hànộimới ghi nhận nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự vui mừng, xúc động trước chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau” này.
Bà Chu Thị Đào, thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất:
Những người yếu thế như chúng tôi luôn được quan tâm
Gia đình tôi có hai mẹ con, là một trong 16 hộ nghèo của xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Tôi bị tật hai tay từ nhỏ nên không làm được việc nặng, cuộc sống rất khó khăn. Khi chưa có dịch Covid-19, hằng ngày tôi đi giúp việc gia đình cho một vài hộ trong xã để có thêm thu nhập. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, nhất là khi cả nước thực hiện cách ly xã hội, cuộc sống của mẹ con tôi càng khó khăn hơn. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, hộ nghèo như chúng tôi được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng trong 3 tháng.
Tôi rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với những người yếu thế. Bên cạnh đó, thời gian qua chính quyền xã Phùng Xá, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân hảo tâm trên địa bàn cũng luôn quan tâm giúp đỡ tôi ổn định cuộc sống, như tặng khẩu trang, xà phòng, nước sát khuẩn... Tôi và những người yếu thế đã không bị bỏ lại phía sau đúng như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, tổ dân phố 3 Hòe Thị, quận Nam Từ Liêm:
“Phao cứu sinh” cho hàng triệu người khó khăn
Theo dõi các diễn biến liên quan đến dịch Covid-19, tôi rất vui mừng vì trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, Chính phủ đã đưa ra một gói hỗ trợ chưa từng có trong lịch sử, hướng đến hàng triệu người dân khó khăn. Đó là gói an sinh 62.000 tỷ đồng, trong đó những người có công với cách mạng, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng như tôi (thương binh hạng 3/4) được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng. Tôi cũng rất lo lắng nếu dịch bệnh kéo dài, việc cách ly xã hội tiếp tục thực hiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập hằng ngày của nhiều người, trong đó có gia đình tôi. Gói trợ cấp kịp thời đã thực sự như là chiếc “phao cứu sinh” cho hàng triệu người lao động, người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, thiết thực của Đảng, Nhà nước với người khó khăn. Mong rằng, gói an sinh này sớm được triển khai giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống.
Ông Lê Tiến Hoàng, ngõ 82 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy:
Gói hỗ trợ kịp thời cho người thất nghiệp
Từ nhiều năm nay, tôi sinh sống bằng nghề “xe ôm” tự do, nguồn thu nhập chính để nuôi sống cả gia đình. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập của tôi giảm hẳn vì đa số người dân hạn chế đi lại, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác. Gần nửa tháng qua, khi Chính phủ thực hiện chủ trương cách ly xã hội, nguồn thu nhập từ nghề "xe ôm" không còn nữa, cuộc sống của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ngay khi nghe thông tin Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ 3 tháng cho những người lao động thất nghiệp, hộ cận nghèo… và chính quyền phường đang nhanh chóng rà soát, lên danh sách các trường hợp trong diện được hưởng gói hỗ trợ, gia đình tôi rất vui mừng. Với những người lao động nghèo như chúng tôi, gói hỗ trợ của Chính phủ đã đến rất kịp thời, bao quát và “phủ sóng” đến toàn bộ những người đang gặp nhiều khó khăn do tác động từ đại dịch. Rất mong chính quyền địa phương sẽ công khai, minh bạch, giám sát kỹ từng trường hợp để bảo đảm gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đến tay đúng người, đúng đối tượng, với những thủ tục nhanh chóng, đơn giản.
Chị Nguyễn Thị Phượng, ngõ 52 Quan Nhân, quận Thanh Xuân:
Trân quý sự quan tâm lúc khó khăn
Từ sau Tết Nguyên đán, ngành Giáo dục cho học sinh nghỉ học dài ngày vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trường Mầm non tư thục Thiên Phú đóng cửa, nơi tôi làm giáo viên nghỉ dạy. Các trường hầu như không có nguồn quỹ nào để hỗ trợ giáo viên tạm thời nghỉ việc do dịch nên từ tháng 2-2020 tôi không được nhận lương. Chồng tôi cũng làm việc trong một cửa hàng tư nhân phải tạm đóng cửa vì không kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Vợ chồng tôi có con nhỏ mới 1 tuổi. Hơn hai tháng ở nhà, mọi chi phí sinh hoạt đều nhờ vào khoản lương hưu của bố mẹ. Tôi cũng tìm kiếm cơ hội bán hàng trực tuyến nhưng vào thời điểm cách ly toàn xã hội để chống dịch nên cũng ít khách, thu nhập chẳng đáng là bao. Cách đây mấy hôm, nhà trường gọi điện bảo tôi khai thông tin cá nhân và gia cảnh để làm hồ sơ đề nghị trợ cấp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Được sự quan tâm chia sẻ trong lúc khó khăn này, tôi vô cùng cảm động.
Mong rằng, dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường, tôi được đến trường làm việc để có thu nhập bằng chính sức khỏe và đam mê nghề nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.