(HNMO) - Ngày 27-6, tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), lễ tang Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú Phan Huy Lê diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động.
Tham dự lễ viếng có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã gửi vòng hoa viếng Giáo sư Phan Huy Lê.
Đông đảo các thế hệ học trò, đại diện các trí thức, các nhà văn hóa, các cơ quan bộ, ngành, địa phương, một số tổ chức quốc tế đã đến viếng, tiễn biệt Giáo sư sử học, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê.
Đoàn đại biểu TP Hà Nội do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng đoàn đến viếng Giáo sư Phan Huy Lê. |
Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng đoàn đã vào viếng Giáo sư Phan Huy Lê. Tham gia đoàn có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Do bận công tác, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã gửi vòng hoa viếng Giáo sư Phan Huy Lê.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã gửi tới gia quyến Giáo sư Phan Huy Lê lời chia buồn sâu sắc và ghi trong sổ tang: "Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội vô cùng thương tiếc Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Công dân Thủ đô ưu tú, người thầy mẫu mực, nhà khoa học suốt đời tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều đóng góp vô cùng lớn lao trong sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước".
Tại lễ truy điệu, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nhắc lại những nét chính trong sự nghiệp của Giáo sư Phan Huy Lê và khẳng định, ông là một danh nhân văn hóa, khoa học và giáo dục đương đại của đất nước. Trong 60 năm làm khoa học, Giáo sư Phan Huy Lê có công lớn trong việc phát triển lịch sử học Việt Nam hiện đại, đã công bố trên 450 công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực sử học, văn hóa học, xã hội học, khu vực học và nhiều lĩnh vực mang tính liên ngành khác.
Tên tuổi, tài năng, nhân cách của ông đã trở thành niềm kiêu hãnh của giới nghiên cứu lịch sử, là tấm gương sáng đẹp trong lòng người dân Việt Nam. Trong hoạt động giáo dục, ông xứng đáng được tôn vinh là bậc danh sư. Giáo sư Phan Huy Lê đã truyền thụ, dẫn dắt học trò nghiêm khắc mà nhân hậu, đòi hỏi mà bao dung, gợi mở, dẫn dắt và hỗ trợ, tác thành.
Giáo sư là người đau đáu với tình hình đất nước, luôn làm hết mình tất cả những gì có lợi cho dân tộc, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Ông cũng là người có tình yêu vô bờ bến đối với gia đình. Sự hài hòa giữa hạnh phúc gia đình và tầm cao sự nghiệp là một hạnh ngộ và cũng là một thành công đặc biệt trong cuộc đời của Giáo sư Phan Huy Lê.
Sau lễ truy điệu, lễ an táng Giáo sư Phan Huy Lê diễn ra cùng ngày tại Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, TP Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.