Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xúc động hành trình “Khát vọng tự do”

Thanh Thủy| 18/05/2020 14:38

(HNMO) - “Vượt ngục là hình thức đấu tranh cao nhất của người chiến sĩ cách mạng song cũng đòi hỏi rất nhiều sự mưu trí, quả cảm và đức hy sinh” - Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương đã chia sẻ như vậy trong lễ khai mạc trưng bày “Khát vọng tự do” vừa diễn ra tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sự kiện do Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020); 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020).

Trưng bày "Khát vọng tự do" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

“Chúng tôi phải trở về”

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, lão thành cách mạng, Trưởng ban đại diện Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội sôi nổi khi nhắc lại những tháng ngày hoạt động cách mạng, quá trình bị địch giam cầm và hành trình vượt ngục gan dạ.

Ông kể: “Năm 1943, tôi bị thực dân Pháp bắt giam, đưa đi hết Nhà lao Vĩnh Điện (Quảng Nam) rồi Trại an trí Ly Hy (Huế). Suốt thời gian đó, tôi luôn nung nấu ý định vượt ngục, tìm về với cách mạng. Năm 1944, trong lúc đi lao dịch, lợi dụng sơ hở của địch, tôi cùng đồng đội tổ chức vượt ngục, song sớm bị bắt trở lại”.

Sau khi bị bắt lại, chiến sĩ Huỳnh Đắc Hương tiếp tục chịu đòn roi quản thúc tại nhiều nhà tù thực dân. Năm 1945, nhân cơ hội Nhật đảo chính Pháp, ông cùng đồng đội phá ngục trở về, kịp thời tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám...

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương là một trong những nhân chứng lịch sử, tham gia chương trình giao lưu, nhân khai mạc trưng bày “Khát vọng tự do” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Cùng với ông, còn có nhiều đồng đội khác, những người đã trực tiếp tham gia nhiều cuộc vượt ngục năm xưa, như ông Nguyễn Hà Long, thương binh 2/4, người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại phân khu A2, trại giam tù binh Phú Quốc năm 1969; ông Đỗ Trọng Dư, “chuyên gia” làm xẻng, nắp hầm tại trại giam tù binh Phú Quốc... Xuyên suốt trong các câu chuyện của họ là tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm vì mục tiêu duy nhất: “Phải trở về vì cách mạng cần”.

Ông Trần Tuấn Quảng, con trai nhà hoạt động cách mạng, quân sự Trần Đăng Ninh, cho biết: "Cha tôi có nhiều năm tháng bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò. Câu chuyện cha cùng đồng đội mưu trí vượt ngục đã đi cùng anh em tôi suốt thời thơ ấu. Mỗi lần tới thăm di tích, nhìn ngắm những kỷ vật của cha cùng đồng đội, chúng tôi luôn trào dâng niềm xúc động, tự hào”.

Trưng bày "Khát vọng tự do" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Ký ức dân tộc, động lực tương lai

Trưng bày “Khát vọng tự do” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò nhằm tôn vinh tinh thần quả cảm, ý chí quật cường của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù, trại giam: Hỏa Lò, Sơn La, Phú Quốc, Côn Đảo...

Qua 3 phần nội dung: Xiềng xích, Tung cánh giữa màn đêm và Khúc ca hòa bình, trưng bày khắc họa rõ nét hành trình “Khát vọng tự do”, từ khổ hạnh nơi lao tù, những kế sách vượt ngục thần kỳ đến thành tựu mà các cựu tù chính trị mang lại cho nhân dân, cho đất nước sau khi thoát khỏi lao tù.

Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu, cho biết: “Trong mạch chuyện kể của trưng bày “Khát vọng tự do”, những cuộc vượt ngục thần kỳ trải dài từ năm 1932 đến 1971 tại nhiều “địa ngục trần gian” cùng gương mặt quả cảm của các chiến sĩ cách mạng Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Mười, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình... hiện lên rõ nét và xúc động. Sự xuất hiện của nhiều tư liệu, hiện vật, kỷ vật vượt ngục tại trưng bày cũng góp phần làm nên sự sống động, gần gũi hơn trong những câu chuyện kể”.

Là một trong những người đầu tiên đến với trưng bày “Khát vọng tự do”, Trung úy Lê Văn Ba, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an thành phố Hà Nội, xúc động: “Những chiến công của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX có sự góp sức của biết bao thế hệ tù chính trị. Ký ức của những cựu tù năm xưa là một phần ký ức của lịch sử dân tộc, tấm gương sáng để thế hệ hôm nay học tập, noi theo”.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Đỗ Văn Trụ khẳng định: "Những cống hiến của chiến sĩ cách mạng, cựu tù chính trị qua những câu chuyện lịch sử, những hoạt động giáo dục truyền thống như trưng bày đang thực hiện tại di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ còn vang vọng tới mai sau, là niềm tự hào, động lực cho các thế hệ xây dựng và phát triển đất nước”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xúc động hành trình “Khát vọng tự do”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.