Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD

Hà Linh| 30/12/2019 20:34

(HNMO) - Chiều 30-12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sự kiện Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD.

Tham dự buổi lễ còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tính đến ngày 30-12, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 514 tỷ USD, con số cao kỷ lục từ trước đến nay, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân. Theo đó, hàng loạt những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản thủ tục hành chính, thủ tục thông quan... đã được thực hiện.

Nhìn lại chặng đường của xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam, năm 2001, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam khiêm tốn ở mức 30 tỷ USD. Sau 6 năm, năm 2007, con số này đạt 100 tỷ USD. Các năm 2011, 2015, 2017, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam lần lượt đạt 200 tỷ USD, 300 tỷ USD và 400 tỷ USD. Tiếp nối hai năm sau đó, trong nửa cuối tháng 12-2019, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD. Đến nay, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 514 tỷ USD.

Như vậy, từ vị trí xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và 44 về nhập khẩu vào năm 2016, đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu.

Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu).  Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của nước ta đã đạt 6,83 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2019, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, năng lực của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt các dấu mốc mới nếu quyết tâm chính trị được hiện thực hoá. “Dưới sự điều hành xuyên suốt của Chính phủ, các doanh nghiệp của chúng ta đã gia tăng được năng lực cạnh tranh. Thặng dư chúng ta đã đạt hơn 10,9 tỷ USD, cho thấy cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững. Trong đó, sản phẩm ngành chế biến chế tạo chiếm 84% trong cơ cấu hàng xuất khẩu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là kết quả từ sự đồng tâm hiệp lực, sát cánh cùng doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ, ban, ngành thông qua cơ chế chính sách, nỗ lực cải cách thể chế thủ tục hành chính. Chính phủ cũng ghi nhận sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của đội ngũ tham tán thương mại, sự cố gắng của cả cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành cần nỗ lực hơn nữa tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm 2020, từ đó đưa Việt Nam 5 năm liên tiếp xuất siêu.

Thủ tướng cũng yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, các cơ quan chức năng đẩy mạnh quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển logistics...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.