Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất, nhập khẩu giảm tốc đáng lo ngại

Hồng Sơn| 04/07/2016 07:01

(HNM) - Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm nay đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả này thấp hơn hẳn so với mục tiêu tăng trưởng 10% cả năm...

Kết quả này thấp hơn hẳn so với mục tiêu tăng trưởng 10% cả năm, cho thấy hoạt động xuất khẩu chưa được cải thiện; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu còn giảm sút qua các tháng. Việc kim ngạch xuất khẩu "giảm tốc" cho thấy, kinh tế thế giới nói chung chưa thể hiện rõ sự hồi phục, sức mua thiếu ổn định và phân tán. Nhiều thị trường giàu tiềm năng đã không giữ được "phong độ", giảm về nhu cầu nhập khẩu.

Những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: Hàng gia dụng, hàng tiêu dùng, công nghiệp nhẹ và nông, lâm, thủy sản đều trong xu hướng tăng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản chỉ tăng 4,4%; hàng công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp tăng 5,1%... Cùng với đó, hạn hán, xâm nhập mặn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long khiến sản lượng cũng như chất lượng nông, lâm, thủy sản giảm; được coi là yếu tố bất khả kháng, phải chấp nhận.

Ảnh minh họa từ internet


Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, giá dầu thô giảm và hồi phục chậm là tác nhân lớn ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của cả nước. Tính trung bình, giá dầu 6 tháng qua đạt hơn 41 USD/thùng, vẫn thấp hơn nhiều so với 60-80 USD/thùng các năm trước. Về chủ quan, theo ông Nguyễn Bích Lâm, hoạt động sản xuất của các DN hồi phục chưa đồng đều. Một số mặt hàng đang chịu sức ép cạnh tranh về chất lượng, giá cả trên thị trường giàu sức mua, như EU, Nhật Bản, Mỹ... Đáng lo ngại, kim ngạch xuất khẩu sang EU của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ tăng dưới 10%, trong khi đây là nơi có nhu cầu mua sắm cao, sức mua ổn định mà DN Việt Nam đang có nhiều cơ hội. Tiếp theo, thị trường Nhật Bản giảm 3,1% và đặc biệt thị trường ASEAN giảm tới 12,6% so với cùng kỳ năm 2015. "Tình hình trên cho thấy, hàng Việt đang gặp khó khăn trong cạnh tranh với hàng của các nước láng giềng, trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN được xác lập" - ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Ngược với xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015. Thực tế này cũng ngược chiều với diễn biến quen thuộc là nhập khẩu thường tăng từ 8% đến 10% trong cùng kỳ các năm từ năm 2014 trở về trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng, dây chuyền sản xuất giảm 0,6%, cho thấy việc triển khai, phát triển các dự án có xu hướng chậm lại, từ đó ảnh hưởng đến quá trình bổ sung, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khi kim ngạch nhập khẩu giảm sút, mức độ sản xuất (trong đó có cả mục tiêu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu) hàng hóa sẽ giảm theo và trở thành nguyên nhân kéo lùi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong hoạt động nhập khẩu có một diễn biến tích cực là kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc là nước mà Việt Nam liên tục nhập siêu ở mức cao, nảy sinh bất lợi về cán cân thanh toán, mức độ hài hòa trong quan hệ kinh tế song phương...

Kim ngạch xuất khẩu tăng thấp và nhập khẩu giảm sút trong 6 tháng qua đang đặt ra yêu cầu tập trung tăng tốc trong 6 tháng cuối năm. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, khai thông và mở rộng các thị trường, gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu mà chỉ trông chờ giá dầu thô tăng, sẽ có nguy cơ không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất, nhập khẩu giảm tốc đáng lo ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.