(HNM) - Trái với diễn biến sôi động trong cùng kỳ năm ngoái, tình hình xuất khẩu quý I vừa qua cho thấy sự sụt giảm đáng kể.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu cả nước quý I-2019 đạt hơn 58,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng rất thấp so với cùng kỳ của nhiều năm gần đây, sẽ trở thành gánh nặng cho thời gian còn lại của năm kế hoạch 2019...
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông - thủy sản suy giảm đáng kể. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, sức cầu trên thị trường thế giới giảm sâu nhất trong 10 năm gần đây. Trong đó, một số quốc gia đang rơi vào tình trạng xuất khẩu tăng trưởng âm. Tình trạng suy giảm trong giao dịch thương mại toàn cầu diễn ra theo hướng khó đoán định, ảnh hưởng đến khả năng xuất - nhập khẩu của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi độ mở của nền kinh tế rất lớn, gắn chặt với diễn biến thương mại toàn cầu.
Tiếp theo, kết quả xuất khẩu một số sản phẩm nông - thủy sản cũng trên đà suy giảm, do giá trên thị trường thế giới giảm như: Hạt điều giảm 20,9%; cà phê giảm 10%; hạt tiêu 28%; gạo 13,7%, cao su 10,9%... Đánh giá của Tổng cục Thống kê cho thấy, suy giảm về kết quả xuất khẩu nhóm hàng nông - thủy sản là một bất lợi lớn, chủ yếu do tình trạng cung vượt cầu. Thực tế này có tính chất trái ngược với đà tăng trưởng khá mạnh của năm ngoái - khi nhóm này được đánh giá rất giàu tiềm năng và có sức tăng trưởng ấn tượng.
Từ phía doanh nghiệp, dù không có hoàn cảnh, hoặc “kịch bản” giống nhau, nhưng câu chuyện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự vượt khó của từng đơn vị. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nhận định, gạo xuất khẩu giảm là do sức cầu thấp cùng với việc thị trường Trung Quốc - vốn là thị trường lớn đã hầu như không nhập gạo của ta từ quý IV năm 2018 đến nay. Thị trường Malaysia, Philippines cũng giảm nhịp độ nhập khẩu, gây khó cho việc tiêu thụ gạo của Việt Nam. Nhưng, nguyên nhân lớn nhất vẫn là hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo chưa theo định hướng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, sự suy giảm hay tăng trưởng cũng còn tùy theo từng đơn vị. Đơn cử, ông Đỗ Đức Đôn, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Hòa Phát (Hải Dương) cho biết, dù thị trường thế giới đang trong cảnh ảm đạm, nhưng đơn vị vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng thép quý I-2019 vẫn tăng hơn 10%, trong đó phần xuất khẩu chiếm 10-15% và thị trường chủ yếu là Mỹ, Canada, Nhật Bản. Ông Đôn nhấn mạnh, nếu có phương án kinh doanh căn cơ, tận dụng tốt cơ hội thì doanh nghiệp vẫn có thể tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm, kể cả với những thị trường khó tính.
Từ thực tế trên, các cấp có thẩm quyền, ngành chức năng, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, phân tích rõ nguyên nhân gây giảm tốc xuất khẩu để tìm cách khắc phục. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ tăng cường cung cấp thông tin thị trường, khuyến khích doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là đối với ngành hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, thủy sản, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ... Đồng thời, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến tìm thị trường xuất khẩu; nhất là thị trường ngách để vừa giảm chi phí, công sức cho doanh nghiệp, vừa tìm được địa chỉ tiêu thụ hàng hóa một cách phù hợp, thuận tiện. Bộ cũng tạo điều kiện gắn kết giữa các đơn vị sản xuất và xuất khẩu, bảo đảm thông suốt trong lưu thông hàng hóa, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Logistics để rút ngắn thời gian giao hàng đến các cảng biển...
Thêm vào đó, doanh nghiệp cần đáp ứng tốt, đầy đủ về thông tin đối với trái cây xuất khẩu - mặt hàng mới nổi của Việt Nam, để đối tác nhập khẩu có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Từ đó sẽ tạo niềm tin, sự thuận lợi cho bạn hàng, giữ vững và tiến tới mở rộng thị phần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.