Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu rau quả: Đâu là giải pháp bền vững?

Lan Hương| 15/05/2015 13:22

(HNMO) - Theo đánh giá của Liên Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng rau quả đang thể hiện tiềm năng và dư địa phát triển của nhóm hàng này còn rất lớn.


Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2014. 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt 488 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Rau quả đang ngày càng có tầm quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp thế giới. Trong thời gian tới, do sự gia tăng dân số, mức thu nhập của dân cư và sự biến động giảm trong ngắn hạn của giá hàng nông sản trên thị trường quốc tế, nhu cầu đối với hàng nông sản thế giới trong những năm tới sẽ tăng nhanh. Nhu cầu rau quả thế giới liên tục tăng trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới là động lực chính dẫn tới sản xuất và xuất khẩu rau quả Việt Nam liên tục phát triển trong giai đoạn 2010 – 2015, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả trong nội tại sản xuất và thị trường, nhóm hàng này lại là nhóm hàng dễ tổn thương nhất khi thị trường có biến động và gây nhiều phản ứng và dư luận nhiều chiều trong xã hội như dưa hấu, hành tím...

Thanh Long của Việt Nam được nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng.


Mặc dù, trong thời gian qua, nhóm hàng nông lâm thủy sản nói chung và mặt hàng rau quả đã được Chính phủ và các Bộ ngành đặc biệt quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và xuất, tuy nhiên, những tồn tại của ngành nông lâm thủy sản nói chung và nhóm hàng rau quả nói riêng vẫn chưa được giải quyết, vẫn xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung trong cục bộ gây thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp và phản ứng tiêu cực của dư luận xã hội.

Khó khăn cơ bản của rau quả Việt Nam hiện nay là do chất lượng hàng nông sản Việt Nam chưa được cải thiện, phương thức sản xuất và kinh doanh lạc hậu, thiếu chủ động. Trong khi đó các nước nhập khẩu yêu cầu về chất lượng hàng hoá cao hơn và sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu rau quả khác ngày càng gay gắt trên cả phương diện chất lượng hàng hoá, giá cả và phương thức kinh doanh.

Vấn đề đặt ra là cần có sự tham gia tích cực của các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tiêu thụ và sản xuất nông nghiệp trong việc đánh giá, nhận diện những khó khăn cốt lõi, rà soát những mặt được và chưa được của các cơ chế chính sách hiện hành để đưa ra những cơ chế nhằm giải quyết những tồn tại và phát triển bền vững nông lâm thủy sản nói chung và nhóm hàng rau quả nói riêng.

Ngày 14/5, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp đồng chủ trì hội nghị "Bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững".

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông báo về tình hình sản xuất, qui hoạch, tình hình xuất khẩu, tình hình đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ rào cản khó khăn thị truờng xuất khẩu. Đại diện các địa phương đã có trao đổi về thực trạng sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng rau quả trên địa bàn, kiến nghị các giải pháp về sản xuất, chế biến, hạ tầng thương mại, lưu thông. Hiệp hội rau quả có một số đề xuất liên quan tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau quả trong công tác xúc tiến thương mại, đầu tư hạ tầng chế biến rau quả, cuớc phí vận chuyển để nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm rau quả của Việt Nam.

Kết luận hội nghị, lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hai Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Hiệp hội rau quả Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu rau quả, thiết lập cơ chế phối phối hợp thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong việc rà soát, xây dựng quy hoạch và điều tiết, quản lý sản xuất và tiêu thụ rau quả.

Trên cơ sở cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ, xây dựng quy hoạch sản xuất rau quả phù hợp gắn với địa bàn, loại cây trồng và thị trường; từ đó, mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, nhằm tạo ra các chân hàng lớn đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước cũng như thị trường nước ngoài và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến. Chú trọng, đẩy mạnh công tác chế biến và bảo quản rau quả, có cơ chế kiếm soát và giám sát chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi. Đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Tăng cường công tác thông tin thị trường (về giá cả, nhu cầu thị trường, quy định của thị trường,…) đến đông đảo người sản xuất kinh doanh và phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tiểm năng thông qua các hoạt động tham gia hội chợ, hội thảo quảng bá các sản phẩm rau quả tại nước ngoài.

Ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để phát triển bền vững phải đi từ sản xuất, gieo trồng đến tiêu thụ. Đồng thời, muốn mở rộng thị trường thì phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giảm chi phí vận tải lưu thông để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định, sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững thì phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời phải xác định được những thị trường trọng điểm cho sản phẩm. Đối với những thị trường lớn như Trung Quốc thì cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải phối hợp để có những đánh giá nhu cầu thị trường cả ở ngắn hạn và dài hạn, từ đó xác định sản lượng tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa rớt giá xảy ra thời gian vừa qua.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu rau quả: Đâu là giải pháp bền vững?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.