(HNMO) – Bộ Công thương cho biết: Tháng 2/2015, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 28,4% so với tháng 1/2015 nhưng tăng 1,7% so với tháng 2/2014.
Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,3 tỷ USD, giảm 30,6% so với tháng 1/2015 và tăng 8,5% so với tháng 2/2015. Tính chung 2 tháng năm 2015, KNXK ước đạt hơn 23 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với tăng hơn 1,8 tỷ USD),
Nhận định về việc KNXK tháng 2 giảm sút, Bộ Công thương đánh gia do có dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài đã làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, hoạt động sản xuất cũng như giao thương với các quốc gia thuộc các vùng lãnh thổ khác. KNXK của nhóm nông lâm thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến giảm mạnh, do nhu cầu nhập khẩu về các nhóm hàng chủ yếu của Việt Nam tại một số thị trường chủ yếu cũng giảm tương đối nhiều trong tháng 2 dẫn đến KNXK tại các thị trường này cũng bị ảnh hưởng giảm (châu Á giảm 26,2%, EU giảm 33,9%, Hoa Kỳ giảm 28,7%, châu Phi giảm 32,1%).
Một số mặt hàng trong nhóm nông lâm thủy sản có trị giá và lượng đều giảm tương đối nhiều do liên quan đến yếu tố thời vụ như: thủy sản, rau quả, nhân điều, gạo... Trị giá của đa số mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến cũng có biến động giảm tương đối lớn như các mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, phân bón các loại, sản phẩm từ cao su, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, đá quý và kim loại quý, sản phẩm từ sắt thép, clanhke và xi măng, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác...
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu của 2 nhóm hàng chủ đạo là nông lâm thủy sản và công nghiệp chế biến đều giảm tương đối, lần lượt là 28,1% và 29,5% so với tháng 1, nhóm nhiêu liệu và khoáng sản cũng giảm nhẹ (4,4%).
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 2 cũng có mức xuất khẩu giảm so với tháng 1 là 29,7%. Do kim ngạch xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ đạo như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác, dây điện, cáp điện, phương tiện vận tải và phụ tùng, đồ chơi dụng cụ thể thao đều giảm tương đối lớn (trung bình hơn 20%).
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 87,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Một số mặt hàng như nông sản, khí đốt hóa lỏng, ô tô... có mức tăng khá lớn do nhu cầu nhập khẩu để phục vụ Tết Nguyên đán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.