(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Song, nhờ sự chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá mới từ việc thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục chủ động từ sản xuất đến thị trường, có nhiều kịch bản sẵn sàng ứng phó với biến động của thị trường thế giới...
Những con số tăng trưởng ấn tượng
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả…
Trong đó, gỗ và các sản phẩm gỗ ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá. Với kim ngạch 8,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2020 đạt con số kỷ lục 74,8%. Góp vào thành tích chung của cả nước, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021 của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên địa bàn thành phố Hà Nội là 22,3%.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sang 5 thị trường chính gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng mạnh. Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch 6,7 tỷ USD, tăng 59,8%; Trung Quốc đứng thứ hai với kim ngạch 4,75 tỷ USD, tăng 32,1% so với 6 tháng đầu năm 2020... Cùng với đó, việc thúc đẩy thâm nhập thị trường Peru, Australia, Thái Lan… cũng đạt được những kết quả tích cực.
Phân tích những con số tăng trưởng ấn tượng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, lĩnh vực xuất khẩu của ngành Nông nghiệp đang đi đúng hướng, đó là tập trung nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu ở những thị trường lớn, thị trường truyền thống. Cộng đồng hợp tác xã, doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội thị trường trong bối cảnh nhu cầu nông sản của nhiều quốc gia tăng cao do tác động từ dịch Covid-19. Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lưu thông, thương mại biên giới…
Ngay như trong niên vụ vải thiều vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua; đồng thời, tăng cường đàm phán để khơi thông, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường mới, như: Australia, Singapore, Thái Lan...
Chủ động từ sản xuất đến thị trường
Về mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong năm 2021 lên 45 tỷ USD (kế hoạch Chính phủ giao là 42 tỷ USD), tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có triển vọng để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, Bộ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản chính là 21,5 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ là 14 tỷ USD; thủy sản là 8,5 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 1 tỷ USD.
Đề cập đến việc triển khai thực hiện mục tiêu này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài xây dựng các kênh trao đổi, tăng cường kết nối với các địa phương, doanh nghiệp để cung cấp thông tin - đặc biệt với 5 thị trường xuất khẩu trọng điểm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, để phân tích, đánh giá, dự báo về nhu cầu tiêu thụ nông sản…
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ TAT Việt Nam (huyện Thạch Thất) Phan Văn Toàn cho biết, đến thời điểm này, công ty đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu sang EU đến cuối năm. Tuy nhiên, về lâu dài, doanh nghiệp mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, qua đó có thể tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU liên quan đến sản phẩm gỗ ván ép.
Về phía địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng kiến nghị, Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ công tác ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử và truy xuất vùng nguyên liệu, xuất xứ nông sản.
Trên cương vị “tư lệnh” ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, để tạo đột phá mới, ngành Nông nghiệp tiếp tục thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chủ động từ sản xuất đến thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Bộ NN&PTNT cũng sẽ xây dựng các kịch bản thường trực ứng phó với biến động của thị trường quốc tế; sẵn sàng kích hoạt cả hệ thống trong việc kết nối dữ liệu cung - cầu nông sản; nghiên cứu, tính toán lại lịch thời vụ để không trùng với thời vụ nông nghiệp của các quốc gia nhập khẩu nông sản Việt Nam...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.