Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản: Chủ động giữ sản lượng và thị trường

Hoài Thu| 11/03/2010 07:48

(HNM) - Đúng như dự báo, thị trường xuất khẩu nông, lâm thủy sản (NLTS) tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, 2 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 2,82 tỷ USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gạo, cà phê tiếp tục giảm giá trên cả thị trường thế giới và trong nước, nguyên liệu cá tra, ba sa, tôm phục vụ chế biến rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng khiến doanh nghiệp xuất khẩu hoang mang, nông dân lo ngại.

Phân loại hạt điều xuất khẩu. Ảnh: TTXVN


Những tín hiệu vui
Kết quả xuất khẩu khả quan của nhóm hàng NLTS trong 2 tháng qua có thể nói là sự tiếp nối thành công của hoạt động xuất khẩu năm 2009. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới, phải kể đến lâm sản. 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 617 triệu USD, tăng 59,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm ngoái rơi vào cảnh sản xuất cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp chờ đóng cửa, thì đầu năm nay lại ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu giá trị và sản lượng lớn.

Điều này lý giải ngành gỗ có sự tăng trưởng nhanh trong 2 tháng vừa qua. Thị trường thủy sản hồi phục trở lại, đã đưa kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên 628 triệu USD, tăng 41,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu cao su, tăng đáng kể. Xuất khẩu mủ cao su tại cảng TP Hồ Chí Minh vào giữa tháng 1-2010 vọt lên 2.700 USD/tấn, cao gần gấp đôi so với cách đây 1 năm và là một kỷ lục đáng ghi nhận trong nhiều năm qua. Bởi vậy kim ngạch xuất khẩu mủ cao su tăng tới 136% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó sản lượng xuất khẩu chỉ tăng 28,6%. Với một số mặt hàng xuất khẩu như: hạt tiêu, hạt điều, chè… sản lượng cũng đạt được mức tăng trưởng khá từ 10% đến 47% đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu.

Tạm trữ gạo, cà phê
Theo giải thích của Bộ NN&PTNT, mặc dù xu hướng xuất khẩu các mặt hàng NLTS có những chuyển biến tích cực, nhưng với các mặt hàng cá, gạo và cà phê khó có "cơ hội vàng" để tăng sản lượng xuất khẩu. Vấn đề "nóng" hiện nay là hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu nghiêm trọng, không ít doanh nghiệp phải giảm công suất. Dự báo tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu có thể kéo dài hết năm 2010, đặc biệt với một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra...

Một vấn đề nữa, cho dù nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia tăng, trong khi nguồn cung trên thị trường thế giới giảm mạnh, nhưng theo dự báo, sản lượng xuất khẩu gạo trong năm khó đạt mốc 6 triệu tấn, mà chỉ là 5,5 triệu tấn. Thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng qua, giá gạo xuất khẩu trên thế giới giảm kéo theo kim ngạch giảm vì sản lượng giảm. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong quý I, cả nước cùng lắm chỉ xuất khẩu được 1,1-1,2 triệu tấn (thấp hơn gần 1,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước). Điều đáng lo ngại nhất thời điểm hiện nay là giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu chỉ còn 3.700-3.950 đồng/kg (giảm 1.000-1.500 đồng so với thời điểm đầu năm). Để chặn đà giảm giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, VFA thống nhất mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong quý I nhằm giảm áp lực khó khăn đối với nông dân.

Cà phê cũng đang mất giá. Tại cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với các bộ, ngành tổ chức ngày 4-3, Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã kiến nghị mua tạm trữ 200.000 tấn. Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Phan Huy Thông cho biết, niên vụ năm 2009 cả nước sản xuất được gần 1 triệu tấn cà phê.

Trong hai tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp mới xuất khẩu được 200.000 tấn trong số 500.000 tấn đã có hợp đồng, số cà phê còn lại trong dân khoảng 500.000 - 600.000 tấn (kể cả lượng tồn năm trước). Hiện giá cà phê đang xuống thấp, giảm 15-25% so với cùng kỳ năm ngoái (mức thấp kỷ lục kể từ năm 2008 đến nay). Còn ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, hiện có 95% số hợp đồng xuất khẩu cà phê trong nước mua bán theo phương thức trừ lùi (ký hợp đồng giao xa), do đó thời điểm này nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị thua lỗ nặng, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đối tác kiện do không đủ hàng giao theo hợp đồng.

Trong quá khứ đã có những thời điểm hoạt động xuất khẩu gạo và cà phê nước ta cũng gặp những khó khăn tương tự như hiện nay; nhưng bằng những nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, chúng ta đều vượt qua lấy lại đà tăng trưởng. Và lần này cũng vậy, nếu chúng ta chủ động giữ được sản lượng và thị trường, xuất khẩu NLTS càng có cơ hội tăng trưởng trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản: Chủ động giữ sản lượng và thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.