Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu lao động: Nhức nhối nạn lừa đảo và bỏ trốn

Theo Hà Nam/VOV| 25/12/2015 09:35

Năm 2015, lao động bỏ trốn vẫn ở mức cao, tình trạng thu phí cao và lừa đảo người lao động vẫn xảy ra, đòi hỏi những giải pháp lâu dài, bài bản.


Năm 2015, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 95.000 người đi xuất khẩu lao động, nhưng đến hết 11 tháng đã đưa được 109.000 người, vượt 15% kế hoạch năm và bằng 110,64% so với cùng kỳ năm 2014.

Thế nhưng, đằng sau con số “ấn tượng và đáng mừng” này là bài toán về phát triển thị trường bền vững, bởi xuất khẩu lao động vẫn còn những “mảng tối”. Lao động bỏ trốn ở mức cao, tình trạng thu phí cao và lừa đảo người lao động vẫn xảy ra, đòi hỏi những giải pháp lâu dài, bài bản.

Dự kiến, hết năm 2015, số người được đưa đi làm việc ở nước ngoài không dừng lại ở mốc 109.000 người, vượt qua số 106.000 lao động đi xuất khẩu lao động của cả năm 2014. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực triển khai nhiều biện pháp của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tuyển dụng nhằm ổn định, mở rộng và phát triển thị trường tiếp nhận lao động.

Việc tuyên truyền ý thức và nâng cao hiểu biết của người lao động cũng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, nhìn lại công tác xuất khẩu lao động năm 2015 cho thấy vẫn còn những hạn chế.

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin về Chương trình tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý đi Nhật Bản


Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết: “So sánh với những nước mạnh về cung ứng lao động trong khu vực thì chất lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, còn yếu ở ngôn ngữ và ý thức kỷ luật. Vẫn còn một số doanh nghiệp do mải chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng lao động phái cử đi làm việc ở nước ngoài.

Một số doanh nghiệp vẫn ủy quyền hoặc là giao phó trách nhiệm cho những chi nhánh mà không có sự giám sát, không có sự quản lý... dẫn đến việc lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp phải những trục chưa được giải quyết thỏa đáng, nên đáng nhẽ ra một sự việc nhỏ có thể bùng phát, kéo dài”.

Năm 2015, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản tiếp tục là hai thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, (chiếm hơn 80%) tổng số lao động được đưa đi.

Tuy nhiên, đây cũng là những thị trường mà Bộ Lao động thương binh và Xã hội phải triển khai các biện pháp mạnh, nhằm chấn chỉnh tình trạng nhiều công ty thu phí của người lao động cao hơn quy định và để lao động bỏ trốn tại hai thị trường này đang ở mức đáng lo ngại.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 155.000 lao động đang làm việc tại Đài Loan nhưng tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại thị trường này đã lên đến 17%. Đối với thị trường Nhật Bản, tỷ lệ lao động bỏ trốn đang ở mức 4% và phía bạn yêu cầu nếu lao động Việt Nam bỏ trốn quá 5% sẽ dừng tiếp nhận.

Với thị trường Nhật Bản còn xảy ra tình trạng nhiều thực tập sinh phải chịu chi phí cao trước khi đi thực tập, thậm chí tới mức 5.000 đôla. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thực tập sinh bỏ trốn khỏi nơi làm việc tại Nhật Bản để đi làm nơi có mức thu nhập cao hơn...

Với thị trường Hàn Quốc, tỷ lệ lao động bỏ trốn vẫn ở mức 32%, đứng đầu danh sách 15 quốc gia có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc (tỷ lệ này với các nước khác là 15 đến 17%). Đây cũng là lý do khiến năm 2015 Việt Nam tiếp tục không đưa được lao động mới nào sang thị trường này.

Nguy cơ đóng cửa thị trường Hàn Quốc đang là vấn đề khiến cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người lao động phải suy ngẫm, bởi tháng 4/2016, Hiệp định lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực, phía bạn ra điều kiện để đàm phán tiếp là Việt Nam phải giảm số lao động bỏ trốn xuống dưới 30%, sau đó có lộ trình giảm dần hàng năm. Điều này có nghĩa nếu từ nay đến tháng 3/2016, Việt Nam không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống sẽ rất khó để nối lại Hiệp định với bạn.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết: Tỷ lệ lao động bỏ trốn nói chung, ở Hàn Quốc tuy có giảm xuống nhưng vẫn còn ở tỷ lệ cao. Cao đến mức mà mình chưa thể nào đàm phán, vận động rất nhiều nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu đàm phán để Hàn Quốc mở cửa lại. Đây là thị trường rất tốt, rất nhiều lao động trông ngóng cơ hội đi thị trường này, nhưng chưa giải được bài toán cơ bản, mới giải được một bước thôi.

Những tồn tại trong công tác xuất khẩu lao động không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hợp tác lao động của cả quốc gia mà còn làm giảm uy tín của thị trường Việt Nam. Đồng thời tước mất cơ hội cải thiện đời sống của hàng nghìn lao động khác.

Không chỉ vậy, tình trạng cò mồi, lừa đảo xuất khẩu lao động với thủ đoạn tinh vi của một số tổ chức, cá nhân tiếp tục là vấn đề “nóng” của công tác xuất khẩu lao động năm 2015, khiến cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý, doanh nghiệp chân chính bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Eshuhai, thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế thông tin về việc đưa người lao động sang Nhật Bản làm việc đang bị hỗn loạn. Một người dân muốn tìm đến công ty hay một đơn vị đưa thực tập sinh sang Nhật làm việc uy tín rất khó tìm được thông tin, họ không tìm được. Nhiều người đã tìm rất nhiều lần mới tới được Công ty.

Để thị trường xuất khẩu lao động trở nên ổn định, nhiều ý kiến cho rằng cần triển khai đồng bộ ba giải pháp. Đó là sốc lại công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động; tuyên truyền, phổ biến ý thức kỷ luật, đào tạo kỹ năng cho người lao động và chấn chỉnh hoạt động lộn xộn, ăn xổi của các doanh nghiệp. Tiếp đó là một chiến lược dài hơi về công tác tuyển chọn và đào tạo lao động để không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng cũng cần được nâng lên.

Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp


Với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: “Bộ yêu cầu các doanh nghiệp công khai, minh bạch tất cả các hợp đồng đối với người lao động, từ thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thời gian làm thêm, tiền lương rồi tiền điện, nước, tiền nhà ở…

Hiện nay, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cũng dự kiến trình Chính phủ là đối với những tỉnh có đông lao động ở lại bất hợp pháp, thì nếu nối lại được thỏa thuận thông thường, có thể những tỉnh này sẽ không tham gia. Việc này nhằm tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Câu chuyện này là câu chuyện phải làm”.

Theo dự báo, cơ hội đi làm việc ở nước ngoài sẽ mở ra đối với người lao động trong năm 2016. Tuy nhiên, để có thể tìm được việc làm ổn định tại thị trường lao động nước ngoài, việc mỗi người lao động cần tự nâng cao tay nghề, kiến thức và tác phong đáp ứng nhu cầu của chủ sử dụng chưa đủ.

Điều quan trọng là uy tín và chất lượng của lao động Việt Nam có được khẳng định hay không, còn phục thuộc vào những giải pháp bài bản và dài hơi của cơ quan quản lý và ngành chức năng cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu lao động: Nhức nhối nạn lừa đảo và bỏ trốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.