Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu lao động năm 2011: Nhiều cơ hội mới

Kim Vũ| 27/01/2011 07:22

(HNM) - Năm xuất khẩu lao động (XKLĐ) 2010 không đạt chỉ tiêu đã đề ra là đưa 85.000 lao động đi XKLĐ, các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng do tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng còn chậm, thị trường trong nước vẫn không tạo được nguồn lao động để đáp ứng các đơn hàng cùng với những rủi ro trong thị trường lao động nước ngoài đã khiến hoạt động XKLĐ bị thu hẹp.

Khi chưa kết thúc năm 2010 đầy chông gai, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được nhiều thông tin từ các đối tác rằng có nhiều thị trường đang mở rộng cửa chào đón lao động Việt Nam với nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Cụ thể là thị trường Đông Âu với các nước như Ba Lan, Belarus; thị trường Trung Đông và châu Phi với Israel, Libya, Angola… Các thị trường truyền thống Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)... Ông Trần Ngọc Hiền - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ hợp tác quốc tế cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều hợp đồng tuyển dụng từ các nước phát triển như Australia, New Zealand; Canada, Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển… Chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt, lương hấp dẫn, điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt, chi phí thấp là thuận lợi mà các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Hiền cho rằng người lao động có cơ hội nhiều nhưng lựa chọn sẽ khó khăn hơn.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), những rủi ro trong năm 2010 lại chính là tiền đề tốt cho năm 2011 do doanh nghiệp đã có nhiều thời gian hơn cho việc tuyển dụng, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Các lĩnh vực như hàn, cơ khí, rèn, nguội, nấu ăn… được tuyển chọn kỹ hơn, lao động có thời gian rèn luyện kỹ năng và ý thức làm việc trong môi trường công nghiệp. Người lao động có thể nắm bắt ngay những đơn hàng tốt, lương cao, ít rủi ro và thích ứng được với xu hướng phát triển của XKLĐ trong năm 2011 và những năm tiếp theo với xu hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi xuất cảnh. Được biết, hoạt động tuyển dụng của các công ty môi giới Việt Nam đang chuyển từ hướng chọn thị trường, tìm lao động sang hướng tìm lao động rồi mới tìm thị trường cũng là một cách làm mới và đúng hướng hơn.

Ông Đào Công Hải - Cục phó Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện tại thị trường truyền thống vẫn đang ổn định. Cụ thể là thị trường Malaysia đang "ấm" dần lên, dành nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam. Đây là "điểm đến" cho lao động phổ thông ở các huyện nghèo, thực sự phù hợp với sức khỏe, văn hóa và điều kiện của các lao động này. Lao động phổ thông cũng có thể tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm với những hợp đồng theo thẩm định là tốt như Lybi, UAE với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Hàn Quốc đang có chỉ tiêu tuyển dụng lớn, gần gũi về phong tục tập quán. Đây là thị trường có thu nhập khá, khoảng 17 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, người lao động Việt Nam cần chú ý, công việc tại đây đa phần là xây dựng, thuyền viên, nông nghiệp, sản xuất chế tạo… phù hợp cho nam giới nên số nữ chỉ chiếm 10%. Do vậy, lao động nữ nên cân nhắc kỹ trước khi đăng ký dự thi để tránh mất thời gian, công sức, tốn kém... Hiện tượng lừa đảo, cò mồi môi giới đi thị trường Hàn Quốc hiện rất nhiều. Đây là thị trường duy nhất tuyển dụng lao động do 2 Bộ

LĐ-TB&XH của hai nước thực hiện nên người lao động nên tìm đến sở lao động để có được thông tin chính thống. Thị trường thu hút lao động nữ hiện nay là Đài Loan và Malaysia, tập trung ở lĩnh vực giúp việc gia đình (gần 60%), sản xuất chế tạo (hơn 42%).

Hiện tại, Việt Nam có 170 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Được biết, chỉ tiêu XKLĐ trong năm 2011 là đưa 87.000 lao động đi. Theo ông Hải, để phát triển tốt XKLĐ, ngay từ đầu năm 2011, các trường nghề cần đẩy mạnh đào tạo nghề theo cơ chế đấu thầu để đào tạo đúng địa chỉ, chi phí đúng nơi, đặc biệt, tập trung vào công nghệ cao 3G, 6G, xây dựng, giàn giáo, đốc công, điều dưỡng viên để đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế. Sắp tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xây dựng cơ cở dạy nghề cho lao động xuất khẩu ở Thanh Hóa do UAE hỗ trợ kinh phí, với quy mô khoảng 500 học viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu lao động năm 2011: Nhiều cơ hội mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.