(HNM) - Sự cố lao động Việt Nam ở Libya phải về nước đã tạo ra tâm lý e ngại ở nhiều lao động Việt Nam đang có ý định đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đây là cản trở lớn cho các doanh nghiệp XKLĐ trong việc thực hiện mục tiêu năm 2011 đưa 87.000 lao động ra nước ngoài.
Do biến động chính trị, việc lao động Việt Nam ở các nước Trung Đông phải về nước là khó khăn cho không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu lao động. |
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã làm việc với Bộ Nguồn nhân lực Malaysia và nhận được thông tin nước này vừa quyết định cho phép các doanh nghiệp của họ tuyển dụng 45.000 lao động nước ngoài trong năm 2011. Trong thực tế, các doanh nghiệp Malaysia đang thiếu gần 90.000 lao động để phân bổ cho 13 khu vực sản xuất, kinh doanh cỡ nhỏ. Ngành nghề cần lao động là dệt may, nhà hàng - khách sạn, xây dựng, sản xuất - chế tạo (riêng ngành này đang cần 10.000 lao động). Ngành dệt may có mức lương thấp nhất, bình quân 3,5 triệu đồng/tháng và ngành sản xuất - chế tạo, điện tử, làm việc tại nhà máy có mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/tháng. Được biết, tiêu chí đi làm việc tại Malaysia không quá khắt khe như nhiều thị trường khác. Người lao động không bị đòi hỏi quá cao về tay nghề, chi phí lại thấp, rất phù hợp với đa số lao động nghèo.
Theo thẩm định và đánh giá của các doanh nghiệp XKLĐ thì ở Malaysia, các doanh nghiệp về dịch vụ khách hàng, khách sạn, dệt may (mỗi doanh nghiệp thiếu khoảng 2.000 lao động) và điện tử đang thiếu lao động trầm trọng, rất cần tuyển lao động nước ngoài. Mới đây, Công ty cổ phần Thương mại Châu Hưng vừa ký hợp đồng cung ứng lao động cho Malaysia - làm việc tại 4 nhà máy lớn chuyên sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, máy tính của Nhật Bản đầu tư tại nước này. Điều kiện mà các doanh nghiệp đưa ra cho lao động rất đơn giản: nữ lao động phổ thông tuổi từ 18-30, có sức khỏe, thị giác tốt, không mù màu, dị tật tay. Theo ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước thì trong tháng 3, cục sẽ phân bổ chỉ tiêu đưa lao động đi Malaysia cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, sau sự cố Libya, nhiều doanh nghiệp đang tìm làm cách lấy lại niềm tin cho NLĐ, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng lớn từ các đối tác nước ngoài nhưng việc tuyển dụng gặp vô vàn khó khăn. Nhiều lao động quan niệm, mức lương từ 3,5 đến 7 triệu đồng/tháng không phải là khó khi làm ở Việt Nam, lại phải xa nhà, bất đồng ngôn ngữ, chi phí đắt đỏ nên họ đã quyết định ở lại quê nhà. Tình hình Libya bất ổn, trước đó là việc dừng tiếp nhận vô thời hạn lao động Việt Nam của Qatar, cộng với tình trạng thất nghiệp, cắt giảm lao động gia tăng tại nhiều nước khiến nhiều NLĐ từ bỏ ý định đổi đời từ XKLĐ.
Để hoàn thành chỉ tiêu đưa 87.000 lao động đi XKLĐ, các doanh nghiệp đang rất cần sự ủng hộ của các cơ quan liên quan, chính sách hỗ trợ để động viên NLĐ thoát khỏi tâm lý e ngại đi XKLĐ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.