(HNM) - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đến hết quý I-2010, cả nước đã có gần 17.000 lao động tham gia chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ). Với đà này, mục tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2010 là có thể đạt được.
Đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu. |
Theo thống kê, trong số 17.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài trong quý I, thì thị trường Trung Đông dẫn đầu danh sách có số lao động sang làm việc nhiều nhất với gần 7.000 lao động. Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) có 3.553 người, Bahrain 1.204 người, Arập Xêút 1.038 người, Oman 25 người, Libya 1.063 người. Tiếp đến là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 4.567 người, Lào 1.200 người, Nhật Bản 1.046 người, Malaysia 728 người, Macau 642 người, Hàn Quốc 513 người, Campuchia 502 người, Liên bang Nga 142 người và các thị trường khác là 808 người. Những con số này đang làm các doanh nghiệp phấn chấn và có vẻ lạc quan cho các chương trình XKLĐ.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp XKLĐ, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là hai thị trường thu hút và phù hợp với nhiều lao động Việt Nam. Hiện tại, thị trường Đài Loan đang tuyển lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo và khán hộ công trong viện dưỡng lão. Tại thị trường Hàn Quốc, mặc dù trong năm 2009 phải thu hẹp nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thì năm nay đang mở rộng hơn với 12.500 chỉ tiêu. Hơn thế, đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc còn cho biết, trong trường hợp các doanh nghiệp lựa chọn nhiều hơn 12.500 người, cơ quan này có thể xem xét để đưa thêm hồ sơ cho các doanh nghiệp tuyển dụng.
Ông Tống Thanh Tùng, Giám đốc tiếp thị Công ty cổ phần Thương mại Châu Hưng khẳng định: Thị trường XKLĐ năm 2010 đã có dấu hiệu phục hồi sau thời kỳ khủng hoảng. Bằng chứng là tính đến hết quý I-2010, riêng thị trường Malaysia, Công ty Châu Hưng đã đưa được hơn 100 lao động sang làm việc. Hiện Công ty Châu Hưng đang có rất nhiều đơn hàng lớn, yêu cầu cung ứng lao động tới các thị trường Brunei và Trung Đông với số lượng lên đến hàng nghìn người.
Ngoài ra, công ty đang nhận được một tín hiệu rất mừng đó là người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước đã quay trở lại công ty đề nghị được làm thủ tục quay lại các thị trường Malaysia, Brunei. Hiện nay, mức lương và thu nhập nhiều thị trường XKLĐ đã tăng lên đáng kể: Đài Loan (Trung Quốc) là 17.280 Đài tệ/tháng, Malaysia tăng từ 18,5 Ringit đến 22,5 Ringit/ngày… Riêng mức lương của lao động làm thuyền viên đánh bắt xa bờ ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc) được hưởng thêm ưu đãi như hỗ trợ vay vốn hoàn toàn, đi không mất tiền phí, chỉ học và sang làm việc. Trước kia, mức lương cho nghề này chỉ có 180 USD đến 200 USD, nay đã tăng lên 280 USD đến 300 USD. Chính những ưu đãi này từ phía thị trường bạn đã kích thích hoạt động XKLĐ nóng dần lên.
Có thể nói, năm 2010, chỉ tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài có thể hoàn thành. Và để đẩy mạnh hoạt động XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều chính sách hỗ trợ như giúp các doanh nghiệp khảo sát, thẩm định thị trường. Trong đó đặc biệt ưu tiên phát đề án "Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng người lao động ở các huyện nghèo tham gia XKLĐ, góp phần tạo việc làm và thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững" của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.