(HNM) - Với nhu cầu sử dụng sản phẩm từ gỗ khá lớn và ngày càng tăng, Hoa Kỳ được kỳ vọng là thị trường xuất khẩu gỗ đầy tiềm năng của Việt Nam. Nhưng cùng với kỳ vọng, bài học lớn từ những vụ kiện chống bán phá giá thủy sản thời gian qua đang làm các nhà chuyên môn ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam phải cẩn trọng
Tiềm ẩn rủi ro
Với thị trường xuất khẩu trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng kim ngạch thị trường Hoa Kỳ năm 2014 đạt hơn 2,2 tỷ USD (chiếm 35,6%), ngành chế biến gỗ đang rất lạc quan với triển vọng tại thị trường này trong năm 2015. Tuy vậy, đây là một thị trường còn ẩn chứa rất nhiều rủi ro mà các doanh nghiệp phải đề phòng trước khi thâm nhập sâu vào Hoa Kỳ.
Khách hàng Mỹ tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. |
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất của xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ hiện nay là áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, xuất khẩu gỗ Việt Nam hiện đang có điểm bán phá giá là 6/8, đây là ngưỡng điểm an toàn nhưng với triển vọng phát triển như hiện nay, nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đang hiển hiện đối với doanh nghiệp Việt Nam như những gì đã xảy ra với xuất khẩu thủy sản những năm gần đây.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra nguyên nhân hàng Việt Nam bị kiện theo luật chống bán phá giá là do sự suy thoái và khủng hoảng kinh tế, năng lực sản xuất nội địa kém và sự gia tăng nhập khẩu mặt hàng nào đó đột ngột sẽ dẫn đến việc các nước nhập khẩu điều tra và đánh thuế thêm như một hàng rào phòng vệ nhằm hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, bảo hộ việc sản xuất trong nước. Trong khi đó, do Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường nên các số liệu về điều tra nguyên liệu, giá sản phẩm và giá lao động của Việt Nam chưa được các nước nhập khẩu công nhận, dẫn đến dễ bị áp thuế chống bán phá giá.
Cùng với các nguy cơ trên, đại diện của Tập đoàn Bảo hiểm AIG tại Việt Nam cũng chỉ ra những rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường Hoa Kỳ. Đó là phải chấp nhận rủi ro khi thanh toán trả chậm và có khi "mất trắng" khi đối tác mất khả năng chi trả. "Trong quá trình vận chuyển, hàng hóa có thể mất mát hoặc hư hỏng và đến khi phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng vẫn sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn do luật pháp Hoa Kỳ có những quy định hết sức chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng" - đại diện này nói.
Trong những năm gần đây, ngành chế biến gỗ phát triển thuộc dạng nhanh nhất nhì trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước. Với tốc độ phát triển trung bình năm khoảng 15%, từ con số 0 những năm 90 cho đến nay đã mang lại hơn 6 tỷ USD ngoại tệ cho đất nước. Ngành chế biến gỗ hiện đứng thứ 5 trong 10 ngành kinh tế chủ lực, có tiếng tăm trên thị trường quốc tế khi xuất khẩu đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 Châu Á và không có đối thủ tại Đông Nam Á. |
Kinh nghiệm từ VASEP
Dẫu còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thị trường Hoa Kỳ vẫn rất có triển vọng trong tương lai đối với ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam. Hiện Việt Nam là nhà cung ứng thứ hai sau Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ và đang có lợi thế lớn khi hàng Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá, còn các nước xuất khẩu gỗ hàng đầu Châu Âu đang chịu ảnh hưởng suy thoái, phải thu hẹp sản xuất. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới vẫn có khả năng tăng cao, nền kinh tế thế giới dần hồi phục, đặc biệt là Hoa Kỳ. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có khả năng tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Trương Đình Hòe cho biết, từ những vụ kiện cá tra và tôm gần đây cho thấy những bài học kinh nghiệm nói chung cho các doanh nghiệp cả nước khi phải kết nối và hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu nhằm tránh được những vụ kiện chống bán phá giá, xây dựng liên minh để có thể dàn xếp khi phát sinh những vấn đề liên quan. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ hơn về thông tin thị trường Mỹ và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp một cách thường xuyên, các doanh nghiệp phải đồng lòng ở trong một thị trường, tránh cạnh tranh hạ thấp giá để mở rộng thị phần. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ luật chống bán phá giá và khi vụ kiện xảy ra sẽ là một quá trình lâu dài nên doanh nghiệp cần phải có những luật sư có đủ năng lực để hoạch định và theo đuổi vụ kiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.