(HNMO) - Thời gian gần đây, việc xuất khẩu động vật cũng như các sản phẩm động vật có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại giá trị cao, tạo điều kiện cho các địa phương chuyển hướng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường xuất khẩu và hình thành những vùng chăn nuôi trọng điểm quy mô lớn còn nhiều việc phải làm.
Tăng trưởng nhưng còn khó khăn
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) Lê Văn Quyết cho rằng, Long Thành Phát hiện là hợp tác xã duy nhất trên cả nước nuôi gà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm gia cầm chế biến còn rất nhiều tiềm năng, các hợp tác xã, doanh nghiệp đang nỗ lực tham gia để tìm “đầu ra” bền vững cho sản phẩm.
Trên phạm vi cả nước, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long cho biết, Việt Nam có tổng đàn gia súc gia cầm lớn với quy mô hơn 28 triệu con lợn; 525 triệu con gia cầm, 8,6 triệu con bò; sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 6,69 triệu tấn/năm, sữa tươi đạt gần 1,2 triệu tấn, trứng hơn 17,5 tỷ quả.
Đến nay, sản phẩm sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, sữa và sản phẩm sữa Việt Nam đã đến với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; xuất khẩu thịt gà chế biến chính ngạch sang nhiều thị trường, trong đó có cả châu Âu… Việt Nam còn xuất khẩu mật ong và sản phẩm từ ong, thịt lợn đông lạnh, tổ yến, bột cá...
“Tuy nhiên, sản lượng thịt và các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cả nước đạt 440 triệu USD, nhưng nhập khẩu lên tới hơn 3,4 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ năm thế giới về sản lượng thịt lợn, nhưng trong thị trường thịt lợn toàn cầu quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ việc xuất khẩu thịt lợn”, ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm.
Còn tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước, với gần 1,5 triệu con lợn, hơn 38 triệu con gia cầm, 130.000 con bò. Hà Nội hiện có 7.528 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, trong đó có 557 trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở chăn nuôi của Hà Nội có quy mô nhỏ lẻ; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn xảy ra như: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm...
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn
Để chăn nuôi phát triển bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, Bình Dương sẽ đẩy mạnh quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm bảo đảm yêu cầu phục vụ xuất khẩu.
Cùng với đó là tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp để nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ và thẩm định xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh cho các địa phương. Cục Chăn nuôi sớm xây dựng và triển khai phần mềm, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chăn nuôi từ cơ sở đến cấp tỉnh…
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh, muốn xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi thì các địa phương phải giải quyết được vấn đề dịch bệnh; đồng thời các doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu và sản xuất theo hướng khép kín từ con giống, chăn nuôi, chế biến...
Mặt khác, các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng, đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường.
Còn theo Tổng Giám đốc De Heus châu Á (Tập đoàn De Heus) - Gabor Fluit, muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tới các thị trường lớn như châu Âu thì Việt Nam phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu từ phía đối tác nhập khẩu. Sản phẩm phải bảo đảm không có tồn dư kháng sinh và phải được lấy từ những vùng an toàn dịch bệnh… Vì vậy, cần có sự phân tách ra từng vùng, kiểm soát chặt chẽ các trang trại lớn cũng như các trại nhỏ lẻ trong từng khu vực.
Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, mục tiêu đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 600 nghìn tấn thịt lợn, tương đương giá trị 2,5-3 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ đồng hành cùng các địa phương, triển khai quyết liệt, đồng bộ việc chuyển đổi số trong chăn nuôi; đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí.
Cùng với đó là gắn việc đẩy mạnh chăn nuôi với chế biến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường có tiềm năng; đồng thời hỗ trợ việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.