Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất hiện virus EV71 subtype B2

Anh Thái - Võ Khôi| 26/05/2011 07:03

Từ đầu năm tới nay tại TP Hồ Chí Minh đã có 11 trẻ tử vong; mỗi tuần trung bình có 300 bệnh nhi nhập viện, ca bệnh nặng chiếm 75% (HNM) - Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2011, riêng Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) đã có 1.277 trẻ nhập viện với các triệu chứng của bệnh tay chân miệng. Trong đó có 129 ca nặng và 6 ca đã tử vong.


Phát hiện virus chủng mới


Khám chữa bệnh cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Trong buổi họp khẩn triển khai biện pháp phòng các bệnh lây lan mùa hè chiều 24-5, bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông báo, diễn biến về số ca mắc và số ca tử vong do bệnh tay chân miệng là đáng báo động. Tính cả 2 trường hợp mới tử vong thì từ đầu năm đến nay, TP đã có 11 bé qua đời do bệnh tay chân miệng, trong khi cả năm 2010 chỉ có 1 ca tử vong. Cũng tại cuộc họp, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở cho hay: Chỉ trong ngày 23-5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 đã có 104 cháu nhập viện; có 15 trẻ bị biến chứng nặng phải thở máy. Từ giữa tháng 5, mỗi tuần TP có khoảng 300 trường hợp nhập viện, tăng 300% so với cùng thời điểm năm 2010. Nguyên nhân khiến số ca bệnh và ca tử vong tăng cao là do đã có loại virus gây bệnh xuất hiện chủng mới khiến trẻ chưa có miễn dịch và dễ bị biến chứng nặng. Đặc biệt là phụ huynh còn chủ quan trong việc phòng bệnh.

Theo báo cáo, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 50-60 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện. Ngày 23-5, số trẻ bị bệnh tay chân miệng nằm điều trị tại đây đã lên đến 135 trẻ - mức cao nhất từ trước tới nay. Các bác sĩ cho biết số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng chóng mặt, hiện đã tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm trước. Ngày 21-5, bệnh viện này cũng đã có một cháu bé tử vong.

Tại Khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sỹ Trưởng khoa Trương Hữu Khanh cho biết, đã có 184 ca bệnh tay chân miệng nằm điều trị và ca bệnh nặng chiếm đến 75%. Trong đó, cao điểm bệnh viện tiếp nhận tới 60 trẻ nhập viện trong một ngày. Nhận thấy có những dấu hiệu bất thường, Ban giám đốc bệnh viện đã chủ động mời một nhóm vi sinh lâm sàng từ Bệnh viện ĐH quốc gia Cheng Kung (Đài Loan - Trung Quốc) sang xem xét và họ đã mang 2 mẫu từ 5 ca tử vong tại bệnh viện về phân tích. Kết quả, phía Đài Loan xác định số mẫu trên là virus EV71 phân nhóm B2. Đây là phân nhóm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Theo đánh giá, loại chủng mới này sẽ rất khó khăn trong việc phòng chống dịch và điều trị. Năm 2008, Đài Loan lần đầu tiên xuất hiện virus EV71 phân nhóm B5 và nó đã gây thiệt hại nặng nề! Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, virus EV71 có rất nhiều subtype (phân chủng), nếu đúng là EV71 subtype B2 thì đây là một subtype mới, nguy cơ bệnh sẽ còn nặng hơn, diễn tiến phức tạp hơn nữa, nguy cơ tử vong cũng có thể cao hơn. Lâu nay, các subtype của EV71 trong nước thuộc các nhóm C (C1, C4 và C5) lành tính hơn. Nhưng nay, diễn tiến trẻ tử vong của bệnh nhi ở Việt Nam về type virus mới này khác so với kiểu virus tay chân miệng làm tử vong trẻ ở các nước nên chưa có cách điều trị triệt để, rõ ràng.

Cần phải chủ động phòng ngừa

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: Các biểu hiện của bệnh tay chân miệng gây tử vong và diễn biến nặng gần đây là run chi, sốt liên tục, đi loạng choạng, chuyển nặng nhanh chỉ trong 2-3 ngày đầu mắc bệnh. Đồng thời tỉ lệ viêm cơ tim cao, đây cũng chính là nguyên nhân gây tử vong nhanh. Ông đặc biệt lưu ý phụ huynh: Nếu thấy trẻ dưới 5 tuổi có các dấu hiệu như lở miệng, nổi bóng nước tại bàn tay, chân, đầu gối, mông phải nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ khám ngay. Bên cạnh đó, cần thường xuyên giữ vệ sinh cho trẻ, nhất là rửa tay thật sạch. Sát khuẩn hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần các bề mặt trẻ thường tiếp xúc (sàn nhà, giường chiếu, đồ chơi...) bằng các dung dịch có thể diệt được virus EV71 như cloramin B.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định chủng virus mới có độc tính cao, dễ gây tử vong. Ông khuyến cáo: Phụ huynh có con từ 5 tuổi trở xuống phải đặc biệt cảnh giác bằng cách thường xuyên lau sàn nhà và vật dụng mà trẻ tiếp xúc bằng các chất tẩy rửa. Thường xuyên rửa tay cho bé và người lớn có tiếp xúc với bé. Qua theo dõi nhận thấy, hầu hết bệnh nhi mắc tay chân miệng đều nhiễm virus tại nhà, rất ít cháu bị lây bệnh trong trường học; tuy nhiên qua kiểm tra, nhiều phụ huynh vẫn không thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ trong việc pha chế hóa chất để vệ sinh nhà cửa, vật dụng mà trẻ thường tiếp xúc. Ngay trong tuần này, để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc làm sạch môi trường sinh hoạt của trẻ, Sở sẽ phối hợp với các công ty sản xuất hóa chất triển khai loại dung dịch tẩy rửa mới không có mùi hôi và không gây dị ứng da tay. Phụ huynh chỉ cần pha dung dịch này với nước rồi lau rửa vật dụng mà không cần lau lại bằng nước sạch như dùng các loại hóa chất trước đây.

Ngay trong ngày 25-5, lãnh đạo Sở Y tế đã trực tiếp chỉ đạo cơ quan y tế từ thành phố tới cấp quận, huyện tập trung triển khai ngay công tác phòng chống dịch bệnh để có thể khống chế và làm chủ tình hình. Khoa xét nghiệm bệnh viện của bệnh nhiệt đới TP cũng thử nghiệm trên một số ca để làm xét nghiệm tìm EV71 nhưng chưa xác định chủng virus cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất hiện virus EV71 subtype B2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.