Hai “siêu phẩm” của Apple hiện đang có dấu hiệu “hụt hơi” tại Việt Nam, trong khi đó những thiết bị lai giữa smartphone và máy tính bảng lại đang tăng nhanh về mặt quân số, tạo nên một chủng sản phẩm khác biệt trong thị trường di động đầy cạnh tranh.
Một “đứa con lai” với nhiều “điểm cộng”
Hãy tạm gọi thiết bị lai giữa smartphone và máy tính bảng kể trên là Phablet (tên rút gọn của phone-tablet). Vì là sản phẩm “lai” nên Phablet cũng kế thừa những ưu điểm của hai thiết bị tạo ra nó.
Một điều dễ nhận thấy là các Phablet có màn hình kích thước khoảng 4,5 cho tới 5,5 inch, lớn hơn rất nhiều so với iPhone 4S của Apple (3,5 inch) và nhỏ hơn so với máy tính bảng iPad 2 (9,7 inch).
Màn hình cảm ứng lớn của iPad 2 có ưu điểm là tiện dụng trong việc trình chiếu nội dung đa phương tiện, phim ảnh, duyệt web hay đọc sách điện tử với các thao tác trên phím ảo cũng cực kỳ nhanh chóng và thuận tiện, tuy nhiên hạn chế lớn nhất là chiếc iPad 2 thực sự có diện tích khá lớn khiến người sử dụng phải di chuyển nhiều sẽ gặp khó khăn khi đi lại.
Trong khi đó iPhone 4S lại có màn hình khá nhỏ nên người khi người sử dụng sẽ cảm thấy khó chịu với các thao tác cho công việc văn phòng, giải trí.
Khắc phục những nhược điểm đó, chiếc Phablet ra đời với màn hình 5,5 inch nhỏ hơn máy tính bảng của Apple nên người sử dụng hoàn toàn có thể “bỏ túi” như một chiếc smartphone thông thường. Tuy vậy, sở hũu một cấu hình “khủng” nên nó vẫn đủ sức đảm nhiệm những tác vụ xử lý cao như một chiếc máy tính bảng thông thường.
“Sở hữu một chiếc Phablet nghĩa là người sử dụng vừa có một thiết bị có tính năng của một chiếc điện thoại, lại vừa có khả năng xử lý của một chiếc máy tính bảng, do đó nó có tính phổ biến rất cao” – Anh Vũ Hải, admin của diễn đàn công nghệ Tech24, nói.
Còn theo một nhân viên kỹ thuật khác thì một điểm cộng nữa là hiện đa số các Phablet trên thị trường như Samsung Galaxy Note, Lenovo LePad 2005S, LG Optimus Vu…đều là những “cỗ máy” chạy trên nền tảng Andoid nên chúng sẽ kế thừa những điểm mạnh như tính đa nhiệm, kho ứng dụng khổng lồ miễn phí, hỗ trợ thẻ nhớ ngoài, khả năng đồng bộ với máy tính dễ dàng… đó thực sự là những ưu điểm mà các iFan luôn cảm thấy phải “ghen tị”.
Apple có quá nhiều đối thủ
Có một thực tế là chỉ có iPhone và các sản phẩm mang nhãn Apple mới được sử dụng iOS. Đó có thể là sản phẩm tốt nhất thế giới, nhưng khách hàng thì chỉ có một lựa chọn. Hoặc chọn màu sắc đen hoặc trắng, hoặc có thể lựa chọn giữa các phiên bản 16GB, 32GB hoặc 64GB.
Còn với “đứa con lai” chạy Android, người sử dụng có thể tha hồ lựa chọn các nhà sản xuất lớn như Samsung, LG, Lenovo, ViewSonic, Dell, Acer… Các dòng Phabet hiện vẫn đang gia tăng về chủng loại sản phẩm và dự diến các hãng hãng điện tử thương hiệu Việt và Trung Quốc cũng sẽ chính thức “đóng góp” những chiếc Phablet trong thời gian sắp tới.
Giá sản phẩm ngày càng rẻ
Nếu từng có ý định mua một “siêu phẩm” của Apple, người tiêu dùng chắc cũng biết giá của iPhone 4, 4S hoặc iPad 2 3G hiện nay luôn trên 15 triệu VND. Và với chính sách chỉ hạ giá sản phẩm khi có model mới thay thế, các “siêu phẩm “của Apple luôn được xếp vào danh sách các dòng sản phẩm cao cấp và thường chỉ dành cho giới doanh nhân.
Trong khi đó hiện các Phablet tại Việt Nam có giá trên 10 triệu, thấp hơn các sản phẩm của Apple nhưng lại đang được tiêu thụ ngày càng tăng.
“Trung bình mỗi tháng Thế giới di động bán ra hơn 1000 chiếc phablet. Mặc dù giá của một thiết bị này vẫn còn cao (khoảng trên 10 triệu) nhưng sắp tới khi các nhà sản xuất Việt Nam và Trung Quốc tung ra các mẫu máy với giá 7 – 8 triệu thì nhu cầu tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng hơn trước rất nhiều” - ông Đinh Anh Huân, PGD hệ thống Thế giới di động nhận định về sự phát triển của thị trường Phablet trong thời gian tới.
Lời kết
Các “siêu phẩm” của Apple mang đến cho người dùng những trải nghiệm tuyệt vời về thiết kế độc đáo và những tính năng thời thượng. Tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng về chủng loại sản phẩm và nhiều mức giá khác nhau, trong một tương lai không xa các “chiến binh” Phablet sẽ chính thức lật đổ “đế chế” mà iPhone và iPad đã gây dựng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.