(HNM) - Ngày 14-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về
Ì ạch BV cửa ngõ
Câu chuyện quá tải BV một lần nữa được nhắc đến với tâm trạng không vui của những người có trách nhiệm. Không quá tải sao được khi từ năm 1975 đến nay, quy mô giường bệnh của các BV công lập không tăng bao nhiêu, trong khi dân số TP đã tăng 2 lần, chưa kể bệnh nhân vượt tuyến ngày càng tăng. Bốn chuyên khoa được cho là quá tải nhất hiện nay gồm nhi, tim mạch, ung thư và chấn thương chỉnh hình (CTCH)…
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở vật chất ngành y tế TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, phê duyệt năm 2004, quỹ đất dành cho phát triển ngành y đến năm 2020 là 701ha, trong đó từ 177ha năm 2004 sẽ tăng thêm 252ha (năm 2010) và 272ha (năm 2020). Ngoài nâng cấp các cơ sở hiện hữu, TP sẽ ưu tiên phát triển các trung tâm y khoa, viện, trường và các cơ sở y tế tại 4 cửa ngõ TP với tổng diện tích là 332ha. Đáng nói là quy hoạch cũng nêu rõ: Giai đoạn 1 của các dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2010, thế nhưng, đến nay vẫn là những bãi đất trống!
Ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: TP hiện có 7 dự án xây mới BV với tổng số 5.500 giường bệnh, đòi hỏi khoảng 13.000 tỉ đồng, gồm BV Nhi đồng (1.000 giường), BV Đa khoa Củ Chi (1.000 giường); BV Đa khoa Thủ Đức (1.000 giường); BV Đa khoa khu vực Hóc Môn (1.000 giường)... Chủ trương là thế nhưng đến năm 2011, sau quá nhiều thời gian… chuẩn bị cũng mới chỉ triển khai đến phần… ghi vốn đầu tư, hoàn thành thiết kế, khảo sát địa chất hoặc san lấp mặt bằng. Vì vậy, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2012 một số dự án mới có thể bắt đầu thi công để hoàn thành trong năm 2015, chậm tới vài năm so với kế hoạch ban đầu. Trong khi đó, dự án nâng cấp các BV hiện hữu cũng khá chậm và nếu đúng tiến độ cũng phải đến năm 2015 mới đi vào hoạt động. "Vướng mắc lớn nhất là chính sách đất đai thay đổi nên giá bồi thường giải phóng mặt bằng thấp, không được người dân ủng hộ. Một số dự án vướng ở khâu điều chỉnh quy hoạch chung của TP" - ông Biết nhấn mạnh.
Theo bác sỹ Tăng Chí Thượng (Giám đốc BV Nhi đồng 1), một số nhà đầu tư với hạ tầng sẵn có muốn liên kết với BV để mở rộng số giường bệnh, nhưng do không có chủ trương nên khó thực hiện… BV Ung bướu cũng được cấp khu đất hàng nghìn mét vuông ở ngay vị trí hiện tại (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) nhưng đã 7 năm trôi qua không thực hiện được vì năng lực điều hành dự án quá kém!
San tải cho "tuyến trên"
Trong nỗi buồn chung về triển vọng số giường bệnh tại các BV công lập tính đến hết năm 2014 cũng không tăng thêm được bao nhiêu, bác sỹ Lê Hoàng Minh (Giám đốc BV Ung bướu) đã đề xuất một phương án tức thời có thể giải quyết ít nhiều tình trạng quá tải BV: "TP nên chọn một số BV quận, huyện có hiệu suất khám chữa bệnh thấp, giao làm cơ sở 2, cơ sở 3 cho các BV quá tải sử dụng. Chúng tôi sẽ đưa bác sĩ trình độ cao về đây, vừa chữa bệnh cho người dân vừa đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho bác sĩ tuyến dưới. Nhưng quan trọng là phải có chủ trương nhất quán từ cấp trên".
Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho biết, cuối năm 2011, TP đã đồng thuận với phương án trên vì công suất sử dụng giường bệnh tại BV quận, huyện chỉ đạt 60%, một sự lãng phí lớn trong khi cơ sở vật chất khá tốt. Cụ thể là TP đã nhất trí giao 400 giường bệnh tại BV các quận 2, Bình Thạnh, 12… cho BV CTCH và BV Ung bướu để giảm tải số bệnh nhân quá đông ở đây, sẽ tiến hành ngay trong năm 2012. Ngoài ra, TP tiếp tục đưa bác sĩ tuyến trên về quận, huyện để thu hút bệnh nhân khám, chữa bệnh tại tuyến này, giảm sức ép cho các BV đầu ngành.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh sẽ là căn cứ giúp Bộ Y tế sớm hoàn thành “Đề án chống quá tải BV” trong tháng 3-2012 để trình Chính phủ xem xét. Bộ trưởng cũng cho rằng sẽ giải quyết được phần nào vấn đề nhân lực, vì vài năm gần đây các cơ sở đào tạo y khoa đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Và từ năm 2013, số bác sĩ tốt nghiệp ra trường sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2007.
Có thể thấy rằng, dù vấn đề giảm tải BV sẽ vẫn là "bài toán khó" trong nhiều năm tới, nhưng rõ ràng đề xuất san tải (bệnh nhân) về "tuyến dưới" của TP Hồ Chí Minh là phương án khả thi, phù hợp nhất ở thời điểm hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.