(HNM) - Ngày 24-8, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Sau khi kiểm tra các tuyến đê bao, đê bối sông Bùi, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, đồng thời phối hợp với các sở, ngành lập báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét quyết định hỗ trợ đầu tư cho từng dự án.
Kè Quang Lãng (Phú Xuyên) sạt lở nghiêm trọng. |
Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn trên địa bàn. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị thủy lợi vận hành trạm bơm tiêu úng, cứu được 355ha lúa, chỉ còn 155ha bị ngập nhẹ. Những ngày qua, nước lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về gây sụt sạt, tràn nước ở nhiều đoạn thuộc tuyến đê sông Bùi, đe dọa an toàn tính mạng nhân dân 7 xã và hơn 4.000ha lúa, hoa màu. Để bảo đảm an toàn cho tuyến đê, huyện đã huy động hơn 1.000 người dân và lực lượng vũ trang, sử dụng hơn 12.000 bao chứa vật liệu, 800 cọc tre… xử lý chống tràn, hộ đê.
* Ngày 24-8, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, sau cơn bão số 3, trên các tuyến đê, kè của thành phố xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng, cụ thể: Tại khu vực kè Cát Bi và kè Quang Lãng thuộc địa bàn xã Văn Nhân và Quang Lãng (Phú Xuyên) xảy ra hai cung sạt trượt trên đê hữu Hồng. Trên đê tả Đuống, đoạn K21+710 xã Trung Mầu (Gia Lâm) xuất hiện cung trượt dài 26m, bề rộng khe nứt từ 0,2 đến 0,5m. Còn trên tuyến đê tả Đáy, khu vực xã Thanh Cao (Thanh Oai) cũng xuất hiện vết nứt, sạt mái đê. Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã chỉ đạo các hạt quản lý đê phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân xử lý tạm thời các sự cố trên, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng, đề xuất giải pháp xử lý…
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, một vùng áp thấp trên dải hội tụ nhiệt đới đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo, đến 16h hôm nay 25-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,1 độ vĩ Bắc; 113,8 độ kinh Đông trên khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu các địa phương, bộ, ngành chủ động các phương án ứng phó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.