(HNNN) - Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến xuân về, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao lại phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình Xuân quê hương. Đây không chỉ là điểm hẹn cho bà con kiều bào ở khắp nơi trên thế giới trở về quê hương đón Tết, cùng vui hưởng một mùa xuân ấm áp, sum họp theo phong tục Tết cổ truyền, mà còn là sự kiện khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận ruột thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa
Năm nay, chương trình Xuân quê hương được tổ chức tại Hà Nội và Bắc Ninh vào ngày 18-1 (tức 24 tháng Chạp). Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị, chương trình mang một ý nghĩa quan trọng, hòa chung không khí sôi nổi của năm 2020 với nhiều sự kiện của đất nước như kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), 75 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020), 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020)...
Nhằm tiếp tục góp phần giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Xuân quê hương 2020 dự kiến có các hoạt động như: Lễ dâng hương báo cáo tổ tiên, cầu quốc thái dân an tại Khu di tích đền Đô, tỉnh Bắc Ninh; Lễ thả cá chép tại Khu di tích đền Đô; chương trình tham quan di tích, di sản văn hóa tại tỉnh Bắc Ninh; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt kiều bào tiêu biểu; Liên hoan ẩm thực Việt nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết, với Bắc Ninh đây vừa là vinh dự, trách nhiệm, cũng là cơ hội quý để quảng bá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư nên đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm phục vụ chu đáo kiều bào. Các nghi lễ văn hóa bảo đảm tính tôn nghiêm, trang trọng và đậm nét truyền thống dân tộc.
Đặc biệt, Chương trình giao lưu nghệ thuật Xuân quê hương 2020 diễn ra vào tối 18-1 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội bao gồm nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu với nội dung ca ngợi truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, uống nước nhớ nguồn. Sự kiện còn có ý nghĩa vinh danh những kiều bào, những tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật, do đó, các nghệ sĩ tham gia chương trình chủ yếu là kiều bào thành danh ở nước ngoài như nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, nhạc sĩ Lê Nguyên, Alex Trần, ca sĩ Hoàng My, Ninh Đức Hoàng Long... Dự kiến, có khoảng 1.000 kiều bào tham dự sự kiện này.
Bên lề chương trình Xuân quê hương 2020, các kiều bào sẽ tổ chức các hoạt động như triển lãm ảnh với chủ đề Trường Sa trong trái tim kiều bào - dự kiến diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; chương trình gặp gỡ Bâng khuâng Trường Sa nhằm tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ, hồi tưởng ký ức tốt đẹp của mọi người sau chuyến thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, qua đó khơi gợi niềm tự hào, tình yêu biển đảo nói riêng, tình yêu quê hương đất nước nói chung.
Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng đất nước mạnh giàu
Những năm qua, Xuân quê hương là một hoạt động mang tính xã hội rộng rãi vào dịp năm mới, qua đó khơi dậy tình yêu Tổ quốc sâu nặng của con cháu Lạc Hồng đang sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Chương trình phần nào bù đắp nỗi nhớ quê hương của bà con kiều bào sau khoảng thời gian bôn ba nơi đất khách quê người.
Chị Cao Mỹ Vân, hiện sống tại Mỹ, cho biết: “10 năm tôi xa quê hương sống và học tập ở Mỹ là 10 mùa xuân tôi khát thèm cái Tết quê hương. Nơi tôi ở, người Việt định cư không nhiều nên những ngày Tết trôi qua đối với tôi cũng giống như bao nhiêu ngày khác. Tất cả những gì tôi nhận được chỉ là những lời chúc, những cuộc gọi từ Việt Nam. Không biết bao lần tôi đã khóc vì nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ Tết bên những người thân thương. Năm nay về nước đúng dịp Tết, tôi sẽ đăng ký tham dự chương trình Xuân quê hương. Những năm trước, tôi xem chương trình này qua kênh VTV4 và đã từng mong sẽ có lần được tham dự. Theo tôi, đây là một món quà tinh thần rất lớn đối với những người sinh sống và học tập xa Tổ quốc”.
Từng nhiều lần về nước tham dự chương trình Xuân quê hương, ông Trần Quê, Việt kiều tại Bulgaria chia sẻ: “Sau khi Nghị quyết số 36/NQ-TƯ ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ra đời, sự quan tâm của Nhà nước đối với kiều bào ngày càng tăng. Chương trình Xuân quê hương đã trở thành sự kiện truyền thống. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời tất cả kiều bào, không hạn chế số lượng. Đây là điều rất đáng quý, khiến chúng tôi rất xúc động, cảm thấy được trân trọng, được ấm lòng. Cảm ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện để kiều bào có thể góp sức cho quê hương”.
Còn theo ông Nguyễn Huy Thắng, hiện đang sống tại Đức, Xuân quê hương là một chương trình xúc động và giàu ý nghĩa. Không chỉ được tham gia những hoạt động văn hóa truyền thống, bà con kiều bào còn nhận được sự đón tiếp nồng hậu, thân tình của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Cùng với nhiều chính sách hướng tới kiều bào khác, đây là nguồn khích lệ, động viên lớn để cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài tiếp tục có những cống hiến cho quê hương”.
Nhiều năm qua, cùng với những chính sách tích cực khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bà con kiều bào cũng không ngừng nỗ lực vươn lên và có nhiều hoạt động hướng về quê hương. Theo dữ liệu thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD. Đây là nguồn lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm củng cố khối đại đoàn kết và phát huy hơn nữa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài. Như lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định vai trò không thể thiếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đều có dấu ấn về những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những đóng góp ấy chính là chất xúc tác quan trọng đối với thành công của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.