(HNM) - Những năm gần đây, công tác xóa đói giảm nghèo ở Hà Nội đã đạt được nhiều thành công rất đáng ghi nhận. Trong đó, phải kể đến chương trình cho vay vốn, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội. Từ những đồng vốn kịp thời, hàng nghìn hộ nghèo của Thủ đô đã có cuộc sống đủ đầy hơn, phấn khởi hơn trong dịp xuân về…
Những đồng vốn giảm nghèo
Với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” những năm qua, quận Long Biên đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…
Chuyển những gốc đào cho khách, ông Vũ Văn Nhượng (phường Giang Biên) vui mừng cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, năm 2019, gia đình tôi đã được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có được vườn cây ăn quả, hoa cây cảnh rộng hơn 3 sào này là nhờ những đồng vốn kịp thời ấy...”. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Huy Về ở tổ 7, phường Giang Biên, nhờ có đồng vốn ban đầu 30 triệu đồng và được nâng dần mức vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nay gia đình ông Về đã có hơn 1ha trồng nhãn, bưởi da xanh, giúp gia đình ông thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá tại địa phương.
Đó chỉ là hai trong nhiều câu chuyện thành công về việc người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo tại quận Long Biên. Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Long Biên Nguyễn Thanh Lâm, năm 2019, Phòng Giao dịch đã cho 16 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn vay vốn với số tiền 800 triệu đồng và 2.371 hộ mới thoát nghèo cũng được vay vốn với số dư nợ hơn 113 tỷ đồng.
Chia sẻ về vai trò của những đồng vốn giúp giảm nghèo tại địa phương, ông Đoàn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND phường Giang Biên cho hay: Năm 2018, phường còn 3 hộ nghèo thì đến hết năm 2019, phường không còn hộ nghèo. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo phát triển kinh tế của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố…
Rời quận Long Biên, chúng tôi đến với huyện Gia Lâm. Những cánh đồng trũng trồng lúa trước kia, nay được chuyển thành vườn cây ăn quả, trang trại chăn nuôi. Điển hình là xã Kim Sơn - vùng đất bãi trồng lúa kém hiệu quả nay đã trở thành vùng đất của những mô hình nông dân làm giàu.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khoa, vừa bán được đàn bò, giờ lại nhập về 17 con bò Úc mới. Từ 50 triệu đồng vốn vay ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội, phát triển dần, tới nay với gần 2ha trang trại nuôi bò Úc, mỗi năm gia đình tôi thu 600-700 triệu đồng… - ông Khoa phấn khởi nói.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Gia Lâm Đặng Văn Lâm cho biết, năm 2019 đơn vị đã giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng cho 35 hộ nghèo và gần 3,7 tỷ đồng cho 88 hộ cận nghèo, gần 129 tỷ đồng cho 1.225 hộ mới thoát nghèo vay vốn. Nhờ đó, đến hết năm 2019, huyện Gia Lâm không còn hộ nghèo.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Những năm qua, chương trình tín dụng cho hộ nghèo được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết, tính đến hết năm 2019, tổng dư nợ của ngân hàng là 8.414 tỷ đồng với gần 236 nghìn khách hàng đang vay vốn. Trong cơ cấu tổng dư nợ của 17 chương trình tín dụng, dư nợ tín dụng tập trung chủ yếu vào một số chương trình (tỷ trọng 96%) gồm: Chương trình cho vay giải quyết việc làm 3.676 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44% trên tổng dư nợ cho vay; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 2.801 tỷ đồng, tỷ trọng 33,2%...
Đặc biệt, các địa phương đều nỗ lực tạo đồng vốn, kế sinh nhai cho hộ nghèo. Cụ thể, trong năm 2019, đã có 30/30 quận, huyện, thị xã chuyển bổ sung vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, quận Nam Từ Liêm là 18 tỷ đồng; các quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm 19,5 tỷ đồng; Thanh Xuân 10 tỷ đồng; huyện Thanh Trì 3,5 tỷ đồng... Nguồn vốn này đã góp phần bổ sung nguồn tài chính, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định. Nhờ vậy, đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội chỉ còn 0,42%.
Tiếp tục đồng hành với người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, không để ai bị bỏ lại phía sau, năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội phấn đấu bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. “Ngân hàng tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch bố trí vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2, nâng cao đời sống của nông dân trên địa bàn thành phố...” - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.