Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân về trên thành phố mang tên Bác

Phương Nam| 23/01/2020 07:01

(HNM) - Mọi tất bật, hối hả, chen chúc và chật chội mấy ngày qua đã biến tan trên những tuyến phố, con đường ở thành phố Hồ Chí Minh trong ngày làm việc cuối cùng của năm Kỷ Hợi. Đường phố rộng thênh thang khoe mình dưới ánh nắng chan hòa ban ngày và những ánh đèn đêm đủ màu rực rỡ...

Xuân về khắp muôn nơi

Ngày cuối năm, các con phố những ngày trước chật cứng người và xe, nay thênh thang, nhàn tản. Phía trong những công viên mát mẻ, những bóng áo dài thướt tha du xuân sớm. “Hướng dẫn viên du lịch” của chúng tôi là Trần Minh Hiếu, 18 tuổi, đặc biệt yêu thích môn lịch sử, ham tìm hiểu về vùng đất Nam Bộ hơn 300 năm hình thành, phát triển này. Nhà của Hiếu ở đường Lâm Văn Bền, quận 7, sát kênh Tẻ, nên điểm đầu cho chuyến du xuân của chúng tôi xuất phát từ chợ hoa, cây cảnh của phường Tân Kiểng. Hiếu hào hứng giới thiệu: “Chú thấy đấy, hàng chục chiếc tàu từ các tỉnh miền Tây về đây tập kết, bán cây, hoa, quả ngày Tết. Đây là bến nổi thứ 2 của thành phố Hồ Chí Minh, nhỏ hơn chợ hoa nổi Bến Bình Đông, nhưng đẹp không kém…”.

Trình diễn áo dài trong Lễ hội xuân tại Công viên Grand Park, quận 9.

Bên những con đường, trước cửa mỗi nhà rực vàng những chậu cúc hay thắm sắc đỏ của những chậu hoa mào gà vươn cao 2 bên cửa chính. Trong nhà thấp thoáng những cành mai vàng nở rộ. Cửa hiệu nào cũng trang trí bức vẽ cành đào, cành mai. Hình như người thành phố tập trung về hết các hội hoa xuân khắp nơi: Quận 1 có Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội trưng bày hoa, cây cảnh trong Công viên Tao Đàn. Quận Bình Thạnh có Công viên Vinhomes đủ hoa khoe sắc bên sông Sài Gòn. Quận 7 có Đường hoa Phú Mỹ Hưng với vẻ đẹp hiện đại. Còn quận 9 xa tít, giáp Đồng Nai, lại bất ngờ là điểm đến của nhiều người bởi cảnh sắc Công viên Grand Park với lễ hội khinh khí cầu rực rỡ về đêm và vườn Nhật với cây cầu cong đỏ, uốn trên làn nước biếc đầy những chú cá Koi tung tăng dưới nắng…

Toàn thành phố như phủ lên mình tấm áo hoa đủ màu rực rỡ. Số liệu do Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh công bố cho thấy, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thị trường thành phố tiêu thụ khoảng 600.000 đến 700.000 chậu mai, 250.000 đến 300.000 chậu bon sai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Riêng tại Hội hoa Xuân đang tưng bừng diễn ra ở Công viên Tao Đàn (quận 1), có hàng trăm cây cảnh, cây cổ hàng trăm năm tuổi đang khoe mình trước ánh mắt ngưỡng mộ của dòng người trẩy hội, chơi xuân...

Ở các trung tâm thương mại, người người thỏa sức tạo dáng chụp ảnh bên những tiểu cảnh rực rỡ với chuột vàng, linh vật của năm Canh Tý. Ở Trung tâm thương mại Takashimaya (quận 1), nếu ngoài cửa là gia đình chuột bảnh bao quần tây mũ phớt đi dạo phố thì ngay trong sảnh chính, một đám cưới chuột tưng bừng như trong tranh Đông Hồ, nhưng là những chú chuột bằng bìa cứng, cao ngang đầu người. Ở Saigon Centre (quận 1), một gia đình chuột đông đúc tròn ủng toét miệng cười giữa sảnh. Ở Đường hoa Phú Mỹ Hưng, chú chuột làm bằng những tấm tre đan khéo, cao tới gần 3m, thả dáng đội nón lá ven hồ Bán Nguyệt. Còn tại Đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1), các cụm tượng chuột mọi vẻ, mọi nơi, đáng yêu hết mức.

Tết Nam Bộ còn nhiều điều hay

Tết ở thành phố Hồ Chí Minh còn được đánh dấu bằng lễ hội đặc biệt vào Rằm tháng Giêng tại các khu vực ở quận 5, quận 6, quận 11. Nhưng lễ hội lớn nhất, đa dạng nhất, ấn tượng nhất thường diễn ra tại quận 5. Sôi nổi nói về Hội Nguyên Tiêu - Xuân Canh Tý 2020, ông Quách Trung Hiếu, Giám đốc Nhà Văn hóa quận 5 cho biết: "Lâu nay, người thành phố có câu “Giao thừa ra quận Nhất, Nguyên Tiêu về quận Năm” để người người, nhà nhà sau những ngày chơi Tết cùng nhau tụ hội, cầu mong “mưa thuận gió hòa” và cũng là hoạt động để kết thúc những ngày Tết Nguyên Đán".

Nguyên Tiêu năm nay, UBND quận 5 sẽ tổ chức Hội Nguyên Tiêu - Xuân Canh Tý 2020 với rất nhiều hoạt động đặc sắc từ ngày 5 đến 8-2 (tức từ ngày 12 đến Rằm tháng Giêng). Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, cho biết: Nổi bật trong chuỗi hoạt động này là Lễ diễu hành của đoàn rước ảnh Bác, cờ Đảng, cờ Tổ quốc, xe hoa… với sự tham gia của hơn 1.000 người. Năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xem xét, cấp Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho Lễ hội Nguyên Tiêu tổ chức hằng năm tại quận 5 thành phố Hồ Chí Minh. “Chính vì thế, Lễ hội Nguyên Tiêu năm Canh Tý 2020 sẽ rất đặc biệt”, ông Phạm Quốc Huy cho biết. 

Nghĩ đến những ngày lễ hội đầu Xuân, chúng tôi lại hồi hộp chờ đến ngày để được chiêm ngưỡng những màn múa đặc sắc của các đoàn nghệ thuật múa rồng nổi tiếng phương Nam; màn biểu diễn Lân lên Mai Hoa thung với 5 con lân tung hứng trên 5 chiếc cột thép cao vút; những buổi sinh hoạt văn hóa nhiều chủ đề tại các hội quán và đỉnh điểm là Đêm hội Nguyên Tiêu đúng Rằm tháng Giêng với chủ đề: Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình…

Kết thúc ngày cuối năm tại thành phố mang tên Bác, Minh Hiếu đã giúp chúng tôi có một cái Tết Nam Bộ xưa trọn vẹn khi đến với một buổi sinh hoạt chuyên đề ở Đại Nam Hội quán. Từ năm 2017 đến nay, 14 thanh niên tuổi đời chưa tới 30 xúng xính trong chiếc áo dài ngũ thân, đội khăn đóng 5 lớp viền vải… thường tổ chức nói chuyện, giao lưu với khán giả trong và ngoài nước về những chủ đề liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của đất Phương Nam. Lần này, các chàng trai, cô gái trẻ tuổi nói về những câu chuyện mà họ tìm hiểu về Tết xưa ở miền Nam với gần 100 khán giả gồm cả người Việt lẫn người nước ngoài.

Bằng lối nói gãy gọn, rành mạch, Lương Hoàng Trọng Tính, chàng thanh niên 27 tuổi, Hội trưởng Đại Nam Hội quán, kể cho tôi nghe về sự hình thành và mục tiêu hoạt động của Hội quán. Theo đó, các bạn trẻ yêu thích tìm hiểu văn hóa dân tộc, tập trung nhau lại để có thêm điều kiện giao lưu, học hỏi, trau dồi kiến thức lịch sử, văn hóa xưa và góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị, nét văn hóa đa dạng của người Việt. “Vì mục tiêu này, tụi em đặt tên hội quán là Đại Nam…”, Lương Hoàng Trọng Tính nói.

Chúng tôi ngỡ ngàng trước vốn kiến thức sâu rộng của những người trẻ khi nghe họ nói về việc chuẩn bị Tết của người xưa, với việc trồng hoa, lặt lá Mai, chặt củi… từ trước Tết cả tháng; lễ tiễn Ông, tiễn Thần từ 25 Tết; lễ dựng cây Nêu… và nhất là việc bày bàn thờ, với Hương - Đăng - Trà - Quả… và những lễ nghi tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Những việc làm này nhằm duy trì nền tảng gia đình trong một thiết chế văn hóa làm nền móng vững chắc cho xã hội phát triển.

Rời Đại Nam Hội quán khi trời đã về khuya, đi dọc những con phố thẳng tắp giữa hai hàng cây cao vút trong tiết trời lành lạnh, bất chợt, chúng tôi như chìm đi trong hương hoa sữa - hương hoa đặc trưng của Hà Nội như đang luồn sâu, len lỏi nơi thành phố mang tên Bác. Một mùa Xuân mới tràn căng sức sống lại đến với đất trời, hứa hẹn một năm mới an lành, may mắn đến với muôn nơi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về trên thành phố mang tên Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.