Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân về hát câu quan họ, ngắm tranh Đông Hồ

An Bình| 07/02/2011 07:07

(HNM) - Kinh Bắc, quê hương có dòng sông Cầu mang nặng phù sa cho ta tâm hồn dịu ngọt. Người dân nơi đây hằng ngày cần cù gieo cấy niềm tin trong lòng đất để Xuân về, Tết đến gặt hái niềm vui trong những đặc sản văn hóa không thể thiếu là tranh Đông Hồ và dân ca quan họ.

Về Kinh Bắc

Tôi nhớ thuở thiếu thời, còn gì vui sướng bằng được theo chân mẹ vào những ngày tháng Chạp, tới chợ phiên trong cảnh mưa phùn lấm tấm để được ăn quà, sắp Tết. Quà Tết chợ quê ngày ấy bình dân lắm, chỉ là mấy nắm bỏng ngô, kẹo mật, kẹo vừng, quả quýt… Nhưng điều tôi say và thích thú, cố níu kéo bằng được mẹ đến chợ tranh là để ngắm tranh Đông Hồ. Tôi mê mẩn và thể nào cũng đòi mua những bức "Đám cưới chuột", "Quan Trạng về làng", "Chú Chép hồng" đầu ngẩng, đuôi cong như vẫy gọi sao mà vui mắt thế. Rồi lại háo hức thay vào bộ tranh cùng chủ đề của năm cũ.

Hát quan họ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Bảo Lâm

Năm tiếp năm đi, có một thời tưởng chừng tranh Đông Hồ vắng bóng trước nhịp sống gấp gáp của thời mở cửa với nhiều tranh ảnh ngoại, lịch thời trang. Tôi cứ e rằng sẽ chẳng bao giờ còn được sống trong cảm giác háo hức như những ngày thơ ấu ấy nữa. Vậy mà đúng là những điều cảm tính thì qua mau còn những gì thuộc về bản tính mãi tồn tại. Cứ về làng tranh Đông Hồ lúc này sẽ thấy cảnh hối hả, tấp nập người mua kẻ bán. Sự hồi sinh, phát triển và lan tỏa của dòng tranh truyền thống này vẫn còn hấp dẫn lắm, nhất là những ngày xuân, ngày Tết. Cả làng tranh bận rộn vào mùa. Người người làm giấy, nhà nhà vẽ tranh, ấy vậy mà họ vẫn lo không kịp giao, trả hàng. Cụ Hòa, một nghệ nhân cao tuổi của làng vừa bận mắt, bận tay vẫn luôn miệng giảng giải, hướng dẫn cho lớp trẻ vẽ tranh. Dành đôi phút cho tôi, cụ nói: "Ngỡ những người như tôi đã phải bỏ nghiệp. Trước có năm, làng chỉ còn một vài nhà vẽ cho đỡ nhớ. Bán có được là bao, nói gì đến sản xuất dây chuyền đông vui như hôm nay. Còn bây giờ thì công đoạn nào cũng phải khẩn trương. Ngày không kịp thì phải làm đêm. Năm nay còn có khách từ Đức, Pháp, Mỹ về xin mua với số lượng lớn, họ mang đi cho bà con xa quê ngắm mấy ngày Tết cho đỡ nhớ nhà".

Nhịp cầu Quan họ giữa lòng Thủ đô

Nói về Quan họ là nói về một ngôn ngữ âm nhạc giản dị, mộc mạc, dễ thấy, dễ nghe mà gieo vào lòng người một thanh âm chan chứa tình đời. Quan họ được hát trong nghi thức, tập tục, nghi lễ hội làng, hội xuân. Xuân về, Tết đến là hát với làng trên, xóm dưới, hát trong nhịp chèo khua động con nước, xuôi theo dòng chảy. Tiếng hát giao duyên cho "liền anh, liền chị" nên vợ nên chồng. Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ Lục Nam Kinh Bắc, ca đoàn giáo xứ mang đến Nhà thờ Lớn Hà Nội một đêm Quan họ "Mời trầu", ca cảnh "Mười cô thiếu nữ" như nhắc nhớ con người luôn thức tỉnh để tránh khỏi sự cám dỗ trước mọi tật xấu, những điều ác, giữ gìn được lời cha bác căn dặn là "bài ca đạo lý dạy trong luân thường".

Tự hào và tràn đầy niềm vui khi tiếng hát Quan họ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hà Nội, miền đất phù cận gần gũi thân thương trong từng câu ca, làn điệu Quan họ như thể "đã phải duyên nhau xin thắm lại" tạo nên một dòng chảy âm nhạc xuyên suốt từ Kinh Bắc đến Thủ đô. Quan họ đã trở nên thân thuộc trong sinh hoạt văn hóa, ca hát của người Hà Nội. Có rất nhiều CLB hát Quan họ được thành lập và sinh hoạt đều đặn ở làng quê và phố phường Thủ đô. Và mỗi dịp xuân về, Tết đến, những người dân phố đã có thêm thói quen tìm đến những điểm sinh hoạt Quan họ mà thưởng thức, mà đắm say. Những câu ca với cung bậc luyến láy trẩm bổng, khoan nhặt mà mãi xanh như dải lụa cứ quyến luyến, bịn rịn người nghe về một ngày xuân thắm thiết ân tình. Đó thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu với người Kinh Bắc và giờ là cả người Thủ đô như câu ca "Du xuân khắp nẻo đường xa/ Làng quê Quan họ hội Lim nhớ về!".

Xin mượn lời cụ bà Trưởng Cần, một nghệ nhân Quan họ đã 93 tuổi ở Bắc Ninh làm câu kết. Cụ bảo: "Hát cho vui trẻ, khỏe già/ Hát mừng xuân mới đậm đà tình quê".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuân về hát câu quan họ, ngắm tranh Đông Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.