(HNM)- Những ngày này, người dân Thủ đô và cả nước đang hướng về Đại hội XI của Đảng với những kỳ vọng mới. Một mùa xuân mới đang về. Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 đã cận kề. Mùa xuân năm nay, xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội XI - một năm mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Không khí chuẩn bị Tết đang rộn ràng trên khắp phố phường, tại các trung tâm mua sắm từ nội thành ra ngoại ô... Việc tổ chức, phục vụ Tết của các cấp, các ngành đã vào cao điểm. Thủ đô đón mùa xuân đầu tiên sau "sinh nhật" 1000 năm tuổi, một cách chủ động với mục tiêu để mọi người, mọi nhà đều có Tết vui tươi, đầm ấm.
Không để ai "mất Tết"
Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa mừng Đảng, mừng Xuân. Ảnh: Bá Hoạt
Những ngày này, Hà Nội cùng miền Bắc liên tiếp hứng chịu các đợt không khí lạnh đổ về, nhiệt độ xuống thấp, rét căm căm. Với nhiều người, rét làm tăng thêm sự thi vị nhưng với nhiều người khác, rét đe dọa sinh kế, sức khỏe, thậm chí là "mất Tết". UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, hỗ trợ kịp thời các gia đình khó khăn, nhất là người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người ăn xin, miễn sao không để ai phải lang thang, bị đói, rét. Các địa phương khó khăn về kinh phí, TP sẽ hỗ trợ kịp thời. Trước đó, TP đã yêu cầu các cơ quan phụ trách giao thông, vận tải hành khách tập trung lực lượng, tăng chuyến, thêm giờ, bảo đảm "không để ai lỡ xe về quê, phải đón Tết tại bến xe, bến tàu".
UBND TP đã ban hành các quyết định về chế độ đối với các gia đình chính sách, thông qua kế hoạch thăm hỏi, tặng quà các đối tượng. Hà Nội đã dành gần 200 tỷ đồng tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo… Hơn 2 tỷ đồng khác cũng được dành để tặng quà cho các tổ chức xã hội từ thiện và một số đơn vị, tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu.
Chuẩn bị đón Tết Tân Mão 2011, Hà Nội tiếp tục dành sự quan tâm đối với khu vực ngoại thành, đặc biệt là các xã miền núi, xã nghèo. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội sẽ tổ chức chương trình "Chợ Tết" tại 9 huyện ngoại thành. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Đồng, ngành đã phối hợp với UBND các huyện để tổ chức bán hàng có hỗ trợ cước cho 13 xã miền núi. Năm nay có 23 chuyến bán hàng được tổ chức tại 19 huyện, thị xã cùng với 38 phiên chợ Việt. Ngoài 16 điểm tổ chức chợ hoa Tết trong nội thành, ngoại thành sẽ có ít nhất 34 điểm chợ hoa. Ngành công thương đã chuẩn bị một lượng hàng hóa lớn với 9 nhóm mặt hàng thiết yếu, trị giá 400 tỷ đồng, bố trí gần 400 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn TP. Các phiên chợ sẽ được duy trì liên tục từ ngày 25 đến 29 tháng Chạp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân từ nội thành đến vùng sâu, vùng xa. "Chúng tôi bảo đảm không thiếu hàng hóa phục vụ Tết" - Phó Giám đốc Nguyễn Văn Đồng khẳng định.
Dốc sức vì Tết an vui
Năm nay, hoạt động trấn áp buôn lậu được triển khai mạnh mẽ. Ngay từ đầu tháng Chạp, hàng loạt vụ bắt giữ hàng lậu quy mô lớn đã diễn ra. Điển hình là vụ phát hiện 4 toa tàu chở hàng lậu trên chuyến tàu Lạng Sơn - Hà Nội 500 kiện hàng, trị giá trên 10 tỷ đồng. Lực lượng công an phá đường dây buôn bán pháo nổ trái phép tại huyện Chương Mỹ. Công an TP đã khám phá hàng chục vụ việc liên quan tới hàng lậu, hàng giả trị giá từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm. Cùng với ngành công an, lực lượng thanh tra, quản lý thị trường cũng đang vào cuộc mạnh. UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các đoàn kiểm tra thị trường và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm nhiệm vụ này. Tình trạng thu phí trông giữ xe quá mức cho phép cũng được đưa vào "tầm ngắm". UBND TP đã yêu cầu các cấp, ngành vào cuộc, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, nhất là tại các điểm giữ xe ở khu vực trung tâm… Có thể thấy, Hà Nội đang căng sức để bảo đảm thị trường Tết có được sự trật tự, an toàn.
Liên ngành công an, giao thông vận tải đã triển khai kế hoạch phân luồng giao thông từ xa để giảm ùn tắc. Những ngày này, tại các nút giao thông từ nội đô ra ngoại thành, lực lượng công an, thanh tra giao thông, dân phòng thường xuyên trực điều hành, giải tỏa nên tình trạng tắc đường nghiêm trọng ít xảy ra. Trong khi đó, từ cuối tháng 12-2010, xe khách đã được bố trí tăng chuyến (thêm khoảng 5%). Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết đã tổ chức khoảng 3.000 chuyến xe/ngày để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trước và trong dịp Tết.
Hiện nay, việc trang hoàng TP, các khu công cộng, các tuyến phố chính đang được khẩn trương tiến hành. Hệ thống đèn chiếu sáng được bố trí từ Đại lễ sẽ tiếp tục được duy trì đến hết Tết Nguyên đán Tân Mão. Lực lượng bảo đảm vệ sinh môi trường đã tổ chức ra quân, ký giao ước thi đua giữ gìn vệ sinh môi trường phục vụ Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Tết Nguyên đán. Không chỉ tăng chuyến thu gom rác định kỳ, số xe và nhân công thu gom rác phát sinh trong ngày tại các quận nội thành cũng được tăng cường. Mặc dù các chợ dân sinh hoạt động mạnh, lượng rác gia tăng đột biến, nhưng đường phố Thủ đô những ngày qua vẫn được giữ gìn khá sạch sẽ. Có thể nói, Hà Nội vẫn đang duy trì rất tốt diện mạo đô thị "sáng - xanh - sạch - đẹp" được gây dựng từ Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội. Điều đó làm tăng thêm không khí hồ hởi chào đón năm mới trên khắp phố, phường Hà Nội. UBND TP cũng đã chỉ thị cho các ngành điện lực, cấp nước bảo đảm cung cấp đầy đủ trong dịp Tết.
Có thể thấy, Hà Nội đã sẵn sàng đón Tết Tân Mão 2011 vui tươi, phấn khởi chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, mừng thành tựu đã đạt được trong năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.