Không bao giờ chịu chơi một mình, không tự mình thay quần áo, cũng không tự giác làm bài nếu không có bố mẹ ở bên cạnh...
Sẽ là bình thường khi bé còn nhỏ, tuy nhiên khi đã lớn hơn một chút thì những dấu hiệu trên là vấn đề mà các bậc cha mẹ không nên bỏ qua.
Thông thường, từ 5 đến 12 tuổi là giai đoạn bé dần dần tập làm mọi việc một mình. Bắt đầu biết nhận thức, bé trở nên khéo léo hơn trong cách cư xử và có một thế giới nội tâm phong phú. Bé luôn muốn tìm hiểu và khám phá mọi thứ xung quanh để không bị nhàm chán và phụ thuộc vào người khác.
Tuy nhiên, những dấu hiệu đáng ngại như:
Bé thường xuyên yêu cầu sự giúp đỡ của bố mẹ và không muốn tự mình làm bất cứ việc gì.
Đến 5 tuổi, bé vẫn không bao giờ chịu tự mình xỏ cả hai chân vào giày.
Không tự làm bài nếu không có bố mẹ kèm.
Bé không chịu chơi một mình.
Khi xem phim, bé liên tục hỏi và luôn đòi bố mẹ đoán trước diễn biến của bộ phim và dành hết thời gian xem phim cho việc hỏi kết thúc.
Hành xử thế nào?
Mặc dù thời điểm hình thành thói quen tự lập của mỗi trẻ là khác nhau, tuy nhiên vẫn có một mốc chung, bạn hãy quan sát để tìm hiểu xem bé nhà mình có còn ỷ lại và phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ so với chúng bạn hay không?
Hãy xem xét lại sự tác động của mình tới con. Hạn chế can thiệp quá nhiều vào các hành động của bé. Hãy nhớ rằng khi ở độ tuổi của bé, bạn cũng thích được tự mình đội mũ hay làm gì đó mà không bị nhắc nhở. Vì vậy hãy kiên nhẫn, quan trọng là bé tự làm chứ không phải bé làm nhanh hay chậm, đúng hay sai.
Tự hỏi mình xem có tạo điều kiện thuận lợi cho con ỷ lại không? Khi bạn dành quá nhiều thời gian cho việc để ý tới con, bạn đồng thời cũng đánh mất thời gian dành cho chính mình và khiến bé dần trở nên ỷ lại vào sự có mặt của bố mẹ.
Đừng nhầm lẫn sự ỷ lại với những rào cản mà ở độ tuổi này, bé chưa thể vượt qua. Trong một số tình huống bạn có thể nghĩ rằng bé ỷ lại, chưa biết tự lập, tuy nhiên tình trạng này có thể xuất phát từ việc bé sợ một điều gì đó. Ví dụ như khi bé không chịu ngủ một mình có thể do bé sợ bóng tối. Khi đó, bé cần bạn ở bên để giúp bé dễ ngủ hơn, điều này là hoàn toàn bình thường và bạn không phải quá lo lắng.
Nói chuyện cùng các bậc cha mẹ khác có con ở cùng lứa tuổi. Không phải để so sánh xem con ai giỏi hơn, ngoan hơn mà những buổi nối chuyện giữa các bố mẹ sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề mà bé nhà mình gặp phải và có thể tham khảo kinh nghiệm, cách ứng xử với con sao cho hợp lý nhất trong những tình huống tương tự.
Những việc bố mẹ nên làm:
Để bé có thể luyện được tính tự giác làm mọi việc, điều bố mẹ cần làm là tôn trọng việc bé làm bất kể có tốn thời gian bao lâu hoặc chưa đúng cách. Sau khi bé hoàn thành, hãy khuyến khích những nỗ lực và ghi nhận những cố gắng của bé.
Luôn theo dõi, quan sát bé để đưa ra sự giúp đỡ đúng cách. Bé không thích tự mặc quần áo? Hãy đem đến cho bé niềm cảm hứng khiến công việc này trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh việc dạy bé cách mặc đúng, bạn có chỉ ra ý nghĩa những hình thù ngộ nghĩnh trên áo và tưởng tượng ra một câu chuyện thú vị đằng sau đó để bé thấy thích thú.
Giúp bé vượt qua những cột mốc trong tiềm thức. Khi bé không thích ở nhà một mình (ở độ tuổi còn bé, việc này là bình thường), bạn hãy mô tả cho bé những việc mà bạn sẽ làm trong khi bé ở nhà: mẹ đi chợ này, ra đến chợ mẹ sẽ mua cho bé hoa quả ở cửa hàng của bác đeo kính mà có lần bé đã gặp này. Tưởng tượng ra những việc bạn làm có liên quan đến các vật, sự kiện mà bé cũng biết sẽ khiến bé cảm thấy như có bạn ở gần và trở nên yên tâm hơn. Khi bạn trở về, đừng quên tán dương bé với cả nhà vì đã dũng cảm ở nhà một mình.
Khi bé nhõng nhẽo muốn ỷ lại vào bố mẹ, đừng mềm lòng mà hãy kiên quyết giúp bé tự làm mọi việc bằng cách tạo dựng cho bé niềm tin vào chính bản thân và khả năng của mình. Còn nếu bạn cảm thấy mình vẫn không đủ sức để “thiết quân luật” với bé, đừng ngại nhờ tới sự giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình hoặc của các cô giáo ở trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.