(HNM) - Thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế cho thấy, kinh tế tập thể - liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đang trở thành động lực để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, giúp giảm nghèo và phát triển bền vững...
Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 13.280 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hơn 17.000 hợp tác xã, trong đó hơn 3.000 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Liên kết nông dân - hợp tác xã, nông dân - doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm không chỉ tạo nguồn lực, đưa công nghệ cao vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, đáp ứng đòi hỏi của một nền nông nghiệp hiện đại, mà còn nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh…
Tuy nhiên, việc phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chưa như kỳ vọng: Quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng thấp, tỷ lệ đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) chưa cao…; khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; năng lực quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc chưa theo kịp nhu cầu phát triển…
Từ thực tế đó, ngày 12-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, trong đó nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị…
Để thực hiện mục tiêu trên, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, xác định rõ nguyên tắc “đẩy mạnh liên kết và hợp tác trên cơ sở lợi ích” là xu thế tất yếu, từ đó rà soát, bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, triển khai cơ chế chính sách ưu đãi - đặc biệt là các quy định liên quan đến tiếp cận đất đai và nguồn vốn, để thúc đẩy phát triển, kịp thời hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, công nghệ cao…
Cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp phát triển mô hình kinh tế hợp tác, phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Ngoài ra, cần thúc đẩy tái cơ cấu, giải thể các hợp tác xã hoạt động yếu kém, tạo dư địa cho việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới; tăng cường năng lực quản trị, điều hành của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với chính quyền cơ sở, cần cụ thể hóa việc phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp là nội hàm của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từ đó tích cực, chủ động liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là đòi hỏi thực tế, xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển, rất cần được đẩy mạnh, phát huy trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.