Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử phạt nghiêm hành vi đi xe trên vỉa hè

Nhóm phóng viên| 08/01/2021 17:12

(HNMO) - Tình trạng đi xe trên vỉa hè (chủ yếu là xe máy) diễn ra phổ biến tại một số nút giao thông, tuyến đường vào giờ cao điểm trên địa bàn Hà Nội. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện và sự quá tải phương tiện so với hệ thống hạ tầng. Thực trạng trên đòi hỏi các cấp, ngành phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng xử phạt nghiêm người điều khiển phương tiện đi trên vỉa hè.

Ý thức chấp hành của người dân chưa tốt

Khảo sát của nhóm phóng viên Báo Hànộimới tại một số nút giao thông trọng điểm thường xảy ra ùn tắc như: Xuân Thủy - cầu vượt Mai Dịch; Đê La Thành lối rẽ vào cổng Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Láng - Lê Văn Lương; Nguyễn Trãi - Trường Chinh... vào những giờ cao điểm hằng ngày, hầu hết vỉa hè đều bị người điều khiển xe máy chiếm dụng. Theo quan sát, những nút giao thông này thường xảy ra tắc nghẽn cục bộ, ô tô đi hàng 3, hàng 4 chiếm hết lòng đường, còn xe máy leo lên vỉa hè, bất chấp đó là lối dành cho người đi bộ.

Anh Lê Tuấn Anh, tiểu thương kinh doanh điện thoại trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) cho biết: "Nhiều người điều khiển xe máy chạy trên hè đã va vào người đi bộ. Khi xảy ra sự cố, hầu hết không ai dừng lại...".

Trưa 7-1, tại đường Đê La Thành (quận Đống Đa), dòng xe máy hối hả leo lên vỉa hè trong khi hàng loạt taxi xếp thành hàng dài rẽ vào Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. "Đây là khung giờ ám ảnh đối với người đi bộ vì vỉa hè bị người điều khiển xe máy chiếm dụng hết", bà Nguyễn Thu Nga, người dân sống tại đường Đê La Thành cho hay.

Cùng chung nỗi ám ảnh mỗi khi tắc đường, ông Trần Văn Vỹ, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cho biết, vào chiều tối hằng ngày, nhiều người điều khiển xe máy từ phố Cương Kiên rẽ vào phố Đại Linh đi xe lên vỉa hè, khiến người đi bộ phải bước xuống lòng đường, rất nguy hiểm.

Kể từ ngày 15-12-2020 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã xử phạt 3.249 trường hợp dừng đỗ, đi sai làn đường gây cản trở giao thông, trong đó có nhiều lỗi đi xe trên vỉa hè. Tuy nhiên, vào các khung giờ cao điểm, việc phân luồng, điều tiết giao thông phải được ưu tiên nên tại một số nơi vẫn xảy ra hiện tượng trên.

Theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, nguyên nhân chính là do ý thức người tham gia giao thông chưa tốt. Sự thiếu ý thức này dẫn đến kiểu lưu thông "điền vào chỗ trống", không tuân theo quy định, khiến cho giao thông càng trở nên hỗn loạn, không thể kiểm soát trong các khung giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân cơ bản nữa là tình trạng quá tải phương tiện so với hệ thống hạ tầng giao thông. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 10,05%, trong khi theo yêu cầu phải đạt 20-26%. 

Đồng bộ các giải pháp

Chia sẻ về giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng đi xe trên vỉa hè, Thiếu tá Đào Việt Long cho biết, đơn vị sẽ tăng cường xử lý nghiêm hành vi này. Do vi phạm thường xảy ra tại những tuyến đường, nút giao thông hay ùn tắc, nên rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và công an địa phương trong kiểm tra, xử lý.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố) thông tin thêm, trước hiện tượng xe máy đi trên hè đường Tố Hữu, đơn vị đã đề xuất lắp hàng rào và thường xuyên tuần tra xử lý vi phạm. Còn Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Đăng Cường cho biết, UBND phường yêu cầu Công an phường tuần tra, phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng giao thông, xử lý người điều khiển xe máy cố tình đi trên vỉa hè.

Để tháo gỡ bất cập về sự quá tải phương tiện so với hệ thống hạ tầng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, Sở cùng với liên ngành thành phố tiếp tục theo dõi, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông theo lưu lượng phương tiện; đồng thời, phân công lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với các lực lượng khác phân luồng, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm. Trong những năm tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung, các nút giao thông trọng điểm giao cắt giữa đường hướng tâm và đường vành đai… Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội), góp phần nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, từ đó giảm phương tiện cá nhân.

Ngoài ra, theo các chuyên gia giao thông, việc ứng dụng giải pháp công nghệ mới trong điều hành giao thông, đẩy mạnh phổ biến pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông... cũng là những việc cần được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Hà Nội cần quyết liệt thực hiện đề án phát triển giao thông công cộng tiến tới hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân. Đây mới thực sự là các giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tình trạng quá tải hạ tầng giao thông hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử phạt nghiêm hành vi đi xe trên vỉa hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.