Tiếp nhận những ý kiến phản hồi từ dư luận, Dự thảo “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự và phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã” do Bộ Tư pháp soạn thảo có 2 điểm mới là bỏ phạt kết hôn đồng giới và tăng mức phạt ngoại tình.
Theo đó, nội dung Dự thảo đã bỏ điều khoản quy định xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính. Bên cạnh đó, mức phạt đối với hành vi ngoại tình được đề xuất tăng lên 2-5 triệu đồng (cao gấp 5 lần mức phạt từ 200.000-1 triệu đồng trong bản dự thảo trước đó và gấp 10 lần so với mức phạt 100.000-50.000 đồng theo quy định hiện hành).
Dễ bỏ lọt
Việc xử phạt hành vi ngoại tình sẽ áp dụng với các trường hợp: Đang có vợ (chồng) mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; Chưa có vợ (chồng) mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng (vợ) nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng... Ngoài ra Dự thảo cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng việc phạt ngoại tình không phải là vấn đề mới, cũng không phải là lần đầu tiên có quy định về việc xử phạt hành chính đối với vấn đề này.
Tại Điều 8, Nghị định 87/2001/NĐ-CP cũng đã có quy định và đưa ra mức xử phạt đối với hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng từ 100.000-500.000 đồng. Thậm chí, pháp luật Việt Nam cũng đã hình sự hóa hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng tại Điều 147, Bộ luật Hình sự.
Điều 46 Dự thảo Nghị định có nội dung không thay đổi so với nội dung quy định tại Điều 8, Nghị định 87/2001/NĐ-CP, chỉ có sự khác nhau về mức phạt. Cả hai quy định trên đều mới đề cập đến việc xử phạt hành vi “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng”. Tuy nhiên chỉ coi là “chung sống như vợ chồng” khi hai bên nam nữ tuy không phải là vợ chồng nhưng đã ăn ở với nhau và coi nhau như vợ chồng. Nhưng việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì hành vi “chung sống với nhau như vợ chồng” lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, ngoài hành vi đó ra thì còn có hành vi “ngoại tình” nhưng không chung sống với nhau như vợ chồng.
“Nếu như hai người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nhưng họ chỉ lén lút quan hệ tình dục tại nhà nghỉ, khách sạn thì lại không thể áp dụng việc xử phạt hành chính được. Mà hành vi này mới là hành vi chiếm tỷ lệ lớn. Và như vậy, cả Dự thảo Nghị định và Nghị định 87 nêu trên đều đã “bỏ lọt” phần lớn hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, khiến cho dư luận lầm tưởng rằng có thể giải quyết được toàn bộ các hành vi “ngoại tình” nhưng thực chất chỉ giải quyết được một góc rất nhỏ”, Luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Mặt khác, Dự thảo chỉ đưa ra việc xử phạt nhưng lại chưa giải quyết được các vấn đề như: Cơ quan nào có thẩm quyền phạt? Nhà nước sẽ hình thành bộ phận kiểm sát chuyên trách, phát hiện và xử phạt hành vi vi phạm hay chỉ giải quyết trên yêu cầu của người dân? Nếu thế thì những ai có quyền đề nghị cơ quan Nhà nước vào cuộc? Nếu có yêu cầu của người dân thì việc xác minh sẽ như thế nào? Cần những chứng cứ nào để chứng minh?...
Như vậy, dự thảo chỉ nêu được vấn đề mà chưa đưa ra phương án để có thể giải quyết được vấn đề. Và nếu chỉ dừng ở đó thì mặc dù tinh thần Dự thảo rất tốt nhưng chưa có cơ sở để áp dụng và tính khả thi của điều luật là chưa cao.
Khó thực hiện
Còn theo Luật sư Đào Duy Hoằng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, các quy định xử phạt việc ngoại tình hiện nay không khả thi vì rất khó để xác minh căn cứ chứng minh việc chung sống như vợ chồng cũng như quy định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng. Muốn phạt hành chính phải có chứng cớ, được hàng xóm, xã hội công nhận có sống chung, tài sản chung, có con chung; muốn xử lý hình sự phải có hậu quả ly hôn hoặc có người tự sát…
Theo luật hiện hành, để phạt được hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng thì phải có yếu tố “chung sống như vợ chồng”. Pháp luật quy định: “Việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”. Vì vậy, muốn phạt hành chính người ngoại tình phải chứng minh đến ba yếu tố: Họ có con chung, có tài sản chung, quan hệ chung sống phải được hàng xóm xác nhận. Chỉ cần thiếu 1 trong 3 yếu tố này thì không thể xử phạt vì vậy rất hiếm người ngoại tình bị phạt.
Cũng theo Luật sư Đào Duy Hoằng, thay vì việc phạt hành chính rất khó thực hiện, các cơ quan chức năng nên tập trung vào việc tuyên truyền lối sống văn hóa, đời sống lành mạnh đến từng gia đình, người dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.