(HNMO)-Ngày 27-8, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể các nhà máy tại Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội đã thành lập 3 đoàn thanh kiểm tra 111 cơ sở bếp ăn tập thể của 9 KCN của Hà Nội. Qua đây, Chi cục ATVSTTP Hà Nội đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với 36 bếp ăn tập thể với các lỗi vi phạm như: thiết kế và tổ chức bếp ăn không theo nguyên tắc một chiều, hệ thống cống thoát nước không đảm bảo, thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng, không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại, người chế biến không khám sức khoẻ, không lưu mẫu thức ăn…
Theo ông Trần Ngọc Tụ, các bếp ăn tập thể đã cung cấp hơn 72.000 suất ăn trung bình trong một ngày với mức giá suất ăn từ 16.000 – 25.000 đồng/suất, tính trung bình 19.000 nghìn/suất ăn cho công nhân. Qua kiểm tra, 100% bếp ăn tập thể có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP còn thời gian; 97,4% người tham gia chế biến thực phẩm có giấy khám sức khỏe; 97,2% số người sơ chế biến thực phẩm có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Đáng chú ý, 100% cơ sở đều có kết quả kiểm nghiệm nước định kỳ dùng cho chế biến thực phẩm; 96,4% cơ sở có giấy kiểm dịch đối với sản phẩm gia súc, gia cầm; 93,7% bếp ăn tập thể có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại thực phẩm và 88,3% cơ sở có đủ diện tích phù hợp để bố trí các khu vực bếp ăn tập thể hoạt động bảo đảm các điều kiện vệ sinh. Tuy nhiên, một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến bếp ăn tập thể, ít khi kiểm tra các cơ sở bếp ăn tập thể và khắc phục ngay các điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo. Bộ phận quản lý ATTP của công ty chưa quan tâm nhiều đến việc giao nhận thực phẩm, cân định lượng suất ăn, giám sát, hướng dẫn để người chế biến có thói quen thực hành vệ sinh…
Qua xét nghiệm 56 mẫu (gồm: bàn tay người chế biến, thớt thái đồ chín, nước uống của công nhân, nước dùng chế biến thực phẩm) có 44/56 mẫu (chiếm 78,6%) đạt các chỉ tiêu kiểm nghiệm; 12/56 mẫu (chiếm 21,4%) không đạt về vi sinh vật, trong đó có 7 mẫu bàn tay người chế biến, 4 mẫu thớt thái đồ chín và 1 mẫu nước uống đóng chai nhiễm Coliform, Escherichia Coli (vi sinh vật có trong phân người) lại có ở bàn tay người chế biến.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý KCN và chế xuất trên địa bàn cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác đảm bảm ATTP. Cùng với đó, BQL cần ra công văn chỉ đạo các KCN về đẩy mạnh đảm bảo ATTP trong các bếp ăn tập thể. Đối với các doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Hạnh yêu cầu cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, tạo điều kiện nâng cấp sửa chữa các bếp ăn không đủ tiêu chuẩn, đặc biệt cần chú ý đến sức khỏe của người trực tiếp chế biến tại bếp ăn, thường xuyên tập huấn kiến thức ATTP đối với những đối tượng này. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu và đưa ra khung khẩu phần ăn tối thiểu cho công nhân tại các KCN về giá và lượng calo. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra sẽ được tiến hành định kỳ. Hằng năm, Ban chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá công tác ATTP tại các KCN, phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai tên đơn vị vi phạm về ATTP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.