(HNM) - Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường ngày càng tinh vi; trong khi đó, khâu kiểm tra, xử lý tại các địa phương còn hạn chế, việc khắc phục hậu quả chưa tương xứng với mức độ thiệt hại gây ra đối với môi trường. Hệ quả là tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này không chỉ bắt nguồn từ sự buông lỏng quản lý, mà còn do cơ chế, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) vẫn thiếu và bộc lộ không ít kẽ hở.
Tình trạng phá rừng khai thác gỗ tại một số địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Trong ảnh: Lực lượng kiểm lâm huyện Na Hang (Tuyên Quang) kiểm kê gỗ quý bị thu giữ xử lý vi phạm lâm luật. Ảnh: Trần Tuấn - TTXVN |
Vi phạm nhiều, phạt chẳng bao nhiêu
Số vụ vi phạm rất lớn, nhưng số vụ việc bị xử lý lại không nhiều và mức độ xử phạt thấp đang là một thực trạng bất cập của công tác BVMT trong nhiều năm qua. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 4.780 vụ vi phạm pháp luật về BVMT (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2011), chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố 94 vụ, 163 đối tượng, xử lý hành chính 3.500 vụ, phạt 52,87 tỷ đồng… Đại diện ngành chức năng cho biết, tình trạng vi phạm môi trường ngày càng phổ biến, phức tạp và nghiêm trọng. Qua thực tiễn cho thấy, gia tăng vi phạm chủ yếu tập trung vào xử lý chất thải tại các khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở kinh doanh. Trong lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp, phần lớn các DN đều không có hồ sơ, thủ tục BVMT, không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tình trạng khai thác trái phép quặng kim loại màu, đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng diễn ra tràn lan, tập trung tại các tỉnh Tây Bắc, miền Trung, Đông Nam bộ… Ngoài ra, tình trạng hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và buôn bán, vận chuyển trái phép các loại gỗ quý hiếm tại một số địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia môi trường, số vụ vi phạm bị phát hiện cũng như số vụ được xử lý ngày càng nhiều cho thấy lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với thực tế vi phạm. Bên cạnh đó, nếu đem mức 52,87 tỷ đồng xử phạt chia cho số lượng 3.500 vụ nói trên, mỗi trường hợp vi phạm chỉ bị phạt trung bình hơn 15 triệu đồng. Tất nhiên, mức độ vi phạm của mỗi vụ việc là khác nhau và mức phạt cũng khác nhau, nhưng về cơ bản là quá thấp so với tác hại gây ra cho môi trường và cộng đồng, nên không đủ sức răn đe.
Chính sách còn nhiều kẽ hở
Nhằm nâng cao tính pháp lý trong công tác BVMT, ngay từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2009/CP về xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT, quy định 33 hành vi vi phạm. Theo đó, mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng/trường hợp. Ngoài ra còn có hơn 300 văn bản liên quan đến lĩnh vực BVMT. Nhưng, các chuyên gia cho rằng hệ thống văn bản, quy định này đều mang tính chung chung, dẫn tới thực trạng nhiều vi phạm không biết căn cứ, đối chiếu theo văn bản nào để xử lý. Điển hình như vấn đề bồi thường do gây ô nhiễm môi trường không được quy định cụ thể trong bất kỳ một văn bản nào, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện. Ngay cả với mức xử phạt tối đa 500 triệu đồng/trường hợp vi phạm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cũng thừa nhận là quá thấp, nên Bộ đang kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội nâng lên mức tối đa là 2 tỷ đồng/trường hợp.
TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng bộ môn Luật Môi trường (Đại học Luật Hà Nội) nhận định, các hành vi vi phạm môi trường thường gặp khó khăn trong việc xử lý, bởi các nguyên nhân: Thứ nhất, hành vi vi phạm môi trường trên thực tế chủ yếu là do pháp nhân gây ra, trong khi đó Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 quy định chỉ truy cứu trách nhiệm về hành vi vi phạm luật môi trường đối với cá nhân. Thứ hai, các hành vi vi phạm môi trường muốn xác định mức độ vi phạm phải thông qua những biện pháp khoa học kỹ thuật, phương tiện hiện đại, nên không dễ xác định. Để khởi tố DN có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng cần phải xác định được mức độ tổn hại đến môi trường, nhưng để xác định mức độ tổn hại lại không hề đơn giản…
Như vậy, cần coi các đối tượng vi phạm môi trường là một loại tội phạm nghiêm trọng đồng thời có nhận thức đúng về loại tội phạm này, từ đó xây dựng các chế tài mạnh có khả năng phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm một cách hiệu quả. Đặc biệt, phải thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự, với những trường hợp vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về môi trường, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ như hiện nay.
Trong số 10 tội danh về phạm tội môi trường trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, đến nay ở Việt Nam mới chỉ có 2 tội danh bị khởi tố điều tra và đưa ra xét xử là hủy hoại rừng và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Bộ luật này cũng chỉ truy cứu hình sự với các cá nhân vi phạm, chứ không áp dụng cho các đối tượng là các tổ chức, công ty, tập đoàn có tư cách pháp nhân. Đây là "lỗ hổng" lớn, vì các cơ quan tố tụng không thể khởi tố hình sự và định tội các DN hay người đứng đầu DN khi họ là chủ thể các vi phạm môi trường như Bộ luật Hình sự đã định tội. Hiện nay, khi vi phạm môi trường, các đối tượng DN hay tổ chức mới chỉ bị xử lý hành chính phạt tiền, hoặc cao nhất là yêu cầu đóng cửa, chấm dứt sản xuất theo quy định của Luật BVMT. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.