(HNM) - Những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.
Trước thực tế này, mới đây BHXH Việt Nam đã ký kết với Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm bản quy chế phối hợp đẩy mạnh phòng, chống tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2011 tổng số nợ BHXH, BHYT là 3.922,8 tỷ đồng (tăng 33,84% so với năm 2010). Mặc dù ngay từ đầu năm 2012, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng nợ BHXH, BHYT vẫn chưa được kiềm chế. Tính đến ngày 30-4-2012, nợ BHXH, BHYT là 8.573,3 tỷ đồng (tăng 3.424,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2011) bao gồm: nợ BHXH 6.405,8 tỷ đồng, nợ BHYT 2.167,5 tỷ đồng. Không chỉ nợ BHXH mà rất nhiều doanh nghiệp còn trốn đóng BHXH khiến quỹ BHXH ở nhiều tỉnh, thành phố lâm vào cảnh bội chi; tình trạng lạm dụng quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Năm 2011, BHXH Việt Nam đã kiểm tra 992 cơ sở KCB ở 7 tỉnh, thành phố, phát hiện xuất toán 54,8 tỷ đồng thanh toán sai quy định. Kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động BHXH các địa phương đã thu hồi về Quỹ BHXH, BHYT 81 tỷ đồng, từ chối thanh toán chi phí KCB sai quy định gần 13,8 tỷ đồng.
Với phạm vi và quy mô phục vụ rộng, chính sách BHXH, BHYT có ảnh hưởng to lớn và hết sức nhạy cảm trong đời sống xã hội. Để ngăn ngừa các vi phạm về BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã hợp tác với Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm xây dựng quy chế phối hợp đẩy mạnh công tác phòng, chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT; tăng cường bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, cá nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan BHXH các cấp; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, quản lý quỹ, quản lý tài chính và đầu tư tăng trưởng của ngành BHXH.
Ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT xảy ra rất đa dạng, với nhiều hình thức khác nhau, có nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHYT mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước. BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn không thể kiểm soát được hết những vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. "Với việc hai đơn vị ký kết bản quy chế phối hợp, hy vọng những vi phạm về BHXH, BHYT sẽ được xử lý triệt để".
Đồng tình với quan điểm trên, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm nhấn mạnh, trước đây dù chưa có quy chế phối hợp nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, một số địa phương đã có sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm trong việc xem xét, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, sự phối hợp này còn nhiều hạn chế, vì vậy việc phòng ngừa, hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu. "Căn cứ quy chế phối hợp, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sẽ chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế các địa phương hỗ trợ các đơn vị thuộc hệ thống BHXH trong việc thu hồi nợ đọng, chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp và phối hợp xử lý nghiêm những hành vi cố tình trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp, đơn vị. Phối hợp với BHXH Việt Nam giúp tăng cường công tác quản lý quỹ BHYT, bảo đảm cân đối thu - chi, chống lạm dụng và trục lợi BHYT nhằm xây dựng tính bền vững của quỹ BHYT, đồng thời xử lý nghiêm minh trước pháp luật những vi phạm và tội phạm trong việc thực hiện chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước", Trung tướng Phan Văn Vĩnh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.