Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm công trình thủy lợi: Dễ làm, khó... bỏ

Chí Kiên| 15/07/2013 06:14

(HNM) - Hàng nghìn vụ vi phạm công trình thủy lợi đã, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiêu úng trong mùa mưa bão của thành phố Hà Nội.

Vi phạm xảy ra phổ biến trên hành lang sông Nhuệ, đoạn qua địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Đỗ Chí


"Nóng" nhất ở lưu vực sông Nhuệ

Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ có nhiệm vụ tiêu cho 107.530ha và tưới cho khoảng 53.000ha của Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Mùa mưa bão, sông Nhuệ vừa đảm trách nhiệm vụ tạo nguồn tiêu cho cả hệ thống, vừa thực hiện dẫn tiêu cho khu vực phía tây nội thành Hà Nội, với diện tích hơn 18.000ha. Tuy nhiên, hiện trục chính sông Nhuệ đã hoàn toàn bị "bức tử" bởi gần 5.000 trường hợp vi phạm. Nghiêm trọng nhất là trên địa bàn các huyện Từ Liêm, Thường Tín, Thanh Trì, quận Hà Đông... trong đó riêng huyện Từ Liêm có đến hơn 2.400 vụ và con số này vẫn tiếp tục tăng: Năm 2011 phát sinh 189 vụ, năm 2012 là 70 vụ và những tháng đầu năm 2013 là 19 vụ. Ở khu vực dọc trục chính sông Nhuệ, rất nhiều nhà kiên cố, lều lán xây dựng, cắm trụ xi măng đua ra phía lòng sông, làm thu hẹp dòng chảy. Người dân còn trồng cây lâu năm trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ; đào ao, quây đăng chăn thả vịt, ngâm tre, gỗ trong lòng kênh... Ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, lòng sông ngày càng teo tóp vì bị bồi lắng, thu hẹp bởi rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng, nước thải vệ sinh chuồng trại chăn nuôi... gây cản trở dòng chảy và ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống lụt bão năm 2013, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, để xảy ra tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang sông Nhuệ, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các địa phương. Thực tế kiểm tra hành lang sông Nhuệ trên địa bàn huyện Từ Liêm, phát hiện công trình xây dựng nhà kiên cố 3-4 tầng vi phạm, nhưng khi chất vấn chính quyền sở tại thì được trả lời, công trình vi phạm mới xây dựng vài ngày gần đây, nên chưa kịp phát hiện, ngăn chặn, trong khi ngôi nhà lại đang hoàn thiện.

Khó xử lý

Theo đánh giá của Bộ NN& PTNT, Hà Nội là một trong những địa phương xảy ra tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (CTTL) rất phức tạp, cả về số vụ vi phạm và mức độ vi phạm. Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, tổng các vụ vi phạm trên địa bàn thành phố đến nay là 14.509 vụ, nhưng mới giải tỏa được 1.414 vụ, còn tồn tại 13.095 vụ, trong đó trên hệ thống thủy lợi thuộc Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ quản lý tồn tại nhiều nhất (7.683 vụ); Công ty Thủy lợi Sông Đáy 3.757 vụ; Công ty Thủy lợi Sông Tích 1.040 vụ; Công ty Thủy lợi Hà Nội 541 vụ và Công ty Thủy lợi Mê Linh 74 vụ. Ông Lê Xuân Uyên, Phó Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, các vụ đã xử lý, giải tỏa tập trung ở các huyện: Phú Xuyên, Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hòa, song chỉ là vi phạm đơn giản, như: Trồng cây trên bờ, mái kênh, hành lang công trình thủy lợi, thả rau bèo, đăng chặn, rác thải; số vụ làm lều lán, nhà kiên cố bị xử lý không đáng kể.

Vai trò của đơn vị quản lý, khai thác các CTTL là phát hiện vi phạm, thông báo và phối hợp với chính quyền sở tại để lập biên bản, kịp thời ngăn chặn ngay khi phát sinh. Tuy nhiên, hầu hết chính quyền các xã đều buông lỏng quản lý, thậm chí làm ngơ, không xử lý các công trình vi phạm ngay từ đầu, cho dù đơn vị quản lý đã có thông báo. Phân tích về những hạn chế trong công tác xử lý hiện nay, ông Lê Xuân Uyên cho rằng, các công ty thủy lợi chỉ dừng lại ở giai đoạn kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm, sau đó báo cáo, đề nghị với chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa, thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Việc triển khai công tác chống lấn chiếm vi phạm và tái lấn chiếm của các địa phương còn chưa kiên quyết, kịp thời. Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc xử lý vi phạm CTTL trở nên khó khăn là nhiều vụ việc vi phạm đã diễn ra từ trước năm 2001 (trước khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh khai thác và bảo vệ CTTL), nhất là ở các diện tích đã được cấp quyền sử dụng đất nên không có cơ sở pháp lý để xử phạt. Chưa kể, chế tài xử phạt chưa nghiêm. Lãnh đạo Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ cho biết, năm 2012, khi đầu tư cống điều tiết hạ lưu Liên Mạc có 7 hộ xây dựng nhà nằm trên lòng sông. Để giải quyết, cơ quan chức năng phải họp nhiều lần, nhưng do cơ chế chính sách có nhiều vướng mắc, nên thành phố đã cấp đất, chi tiền đền bù để chuyển dân đi nơi khác. Việc này đã thành tiền lệ, khiến người dân cho rằng, cứ chây ỳ là được. Ông Lê Xuân Uyên kiến nghị, ngoài các biện pháp đang áp dụng hiện nay, UBND TP Hà Nội sớm ban hành các quy định mới về trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm và quy định đối với vùng phụ cận bảo vệ công trình thủy lợi để có thêm các hành lang pháp lý cụ thể, từng bước giải quyết các vụ vi phạm cũ còn tồn đọng và ngăn chặn giải quyết dứt điểm vụ mới phát sinh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm công trình thủy lợi: Dễ làm, khó... bỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.